TP. Hồ Chí Minh: Đưa nhiều lĩnh vực vào “tầm ngắm” chống thất thu ngân sách

06:20 | 20/05/2022 Print
(TBTCO) - Chính quyền TP. Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo triển khai 8 chuyên đề chống thất thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong năm 2022, với độ bao phủ ở khắp các lĩnh vực gồm: tư vấn, thiết kế, xây dựng; ngân hàng; các cơ sở y tế; hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; kinh doanh thương mại điện tử; kiểm tra sau hoàn thuế; nhà đất; hoạt động cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng kinh doanh.

Tập trung 4 lĩnh vực có rủi ro cao

Cụ thể, theo kế hoạch chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 được Ban Chỉ đạo chống thất thu, đôn đốc thu nộp NSNN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là Ban chỉ đạo) công bố triển khai cách đây vài ngày, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh được giao thực hiện 8 chuyên đề chống thất thu, với yêu cầu việc triển khai phải phù hợp với tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong năm 2022 của đơn vị. Trong các chuyên đề này, có 4 chuyên đề cần tập trung chuyên sâu do các lĩnh vực có độ rủi ro cao về thuế gồm: hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết; kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT); kiểm tra sau hoàn thuế; nhà đất.

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho hay, tất cả các chuyên đề trên cơ quan thuế đã xác định nhóm đối tượng và có biện pháp thực hiện, đặc biệt là đối với các lĩnh vực cần tập trung nguồn lực cho việc chống thất thu như hoạt động chuyển giá, TMĐT, kiểm tra sau hoàn thuế và nhà đất.

Hướng dẫn người nước ngoài kê khai thuế tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. 				          Ảnh: Đỗ Doãn
Hướng dẫn người nước ngoài kê khai thuế tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Cụ thể, đối với chuyên đề kiểm soát hoạt động chuyển giá các DN có giao dịch liên kết, để xác định đối tượng, cơ quan thuế căn cứ vào quy định “Một DN bảo lãnh, hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay” (Điểm 2d, Điều 5, Nghị định 132/NĐ-CP ngày 5/11/2020), từ đó tiến hành tuyên truyền và phối hợp với các công ty kiểm toán độc lập, đại lý thuế hỗ trợ cho DN kê khai đúng quy định. Cơ quan thuế cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động chuyển giá bằng biện pháp kiểm soát chặt tình trạng khai báo lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp vượt quy định (Điểm 3, Điều 16, Nghị định 132/NĐ-CP ngày 5/11/2020).

“Tương tự, các chuyên đề cần tập trung sâu khác là chuyên đề quản lý thu đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, chuyên đề về công tác thanh tra kiểm tra sau hoàn thuế, chuyên đề về quản lý thu đối với lĩnh vực nhà đất; hoặc các chuyên đề còn lại trong kế hoạch chống thất thu ngân sách năm 2022. Cục Thuế

TP. Hồ Chí Minh đã có những tiêu chí xác định đối tượng và biện pháp thực hiện cụ thể để mang lại hiệu quả cao nhất…” - lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương

Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chỉ đạo chia sẻ, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh được giao chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để hoàn thiện các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm việc triển khai hiệu quả. Cụ thể, cơ quan thuế phối hợp với Sở Tài chính về trao đổi thông tin hoàn thiện công tác quản lý thu đối với lĩnh vực TMĐT và nhà đất như: thông tin các mặt hàng phải đăng ký và kiểm soát giá theo quy định; các khoản thu liên quan đến nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, các khoản thu tiền sử dụng đất đã được phê duyệt.

Theo kế hoạch, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức ký biên bản ghi nhớ trong việc phối hợp cung cấp thông tin, nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thu và hoàn thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Kế đến là cục thuế phối hợp với Sở Công thương tham mưu ban hành các văn bản đề nghị Bộ Công thương chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT, thông tin về các chương trình khuyến mãi phục vụ công tác quản lý thuế; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác phối hợp, hỗ trợ quản lý các trang TMĐT vi phạm pháp luật thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để quản lý TMĐT và các hoạt động kinh tế nhằm thực hiện mở rộng các chính sách thuế; phối hợp với các đơn vị như Sở Công an, Sở Tư pháp, Cục Quản lý thị trường thành phố hỗ trợ thông tin liên quan đến các đối tượng vi phạm, các văn bản pháp quy, hàng gian hàng giả…; Cục Thuế chỉ đạo các chi cục thuế chủ động tham mưu chính quyền địa phương trong triển khai công tác quản lý, khai thác thu và chống thất thu NSNN trên địa bàn sao cho hiệu quả nhất…

Đặc biệt, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh được chỉ đạo phối hợp với Cục Hải quan để trao đổi, cung cấp thông tin của các DN xuất nhập khẩu (XNK) nhằm hoàn thiện công tác quản lý thu các lĩnh vực gồm chuyển giá, TMĐT và kiểm tra sau hoàn thuế.

Đó là thông tin về dữ liệu hàng hóa nhập khẩu chuyển phát nhanh, tờ khai hải quan vượt định mức miễn thuế để đối chiếu doanh thu của sản phẩm trong kê khai nộp thuế, thông tin dấu hiệu chuyển giá đối với DN có giao dịch liên kết như: vốn góp vào dự án đầu tư là máy móc thiết bị, nguyên liệu, tài sản vô hình, bản quyền định giá quá cao…

Theo kế hoạch, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức ký biên bản ghi nhớ trong việc phối hợp cung cấp thông tin, nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thu và hoàn thuế giá trị gia tăng của các DN trên địa bàn.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam