Doanh nghiệp Hoa Kỳ lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam

10:06 | 20/05/2022 Print
(TBTCO) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Adam Sitkoff - Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam cho biết, doanh nghiệp Hoa Kỳ lạc quan về triển vọng phục hồi lành mạnh và bền bỉ của kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19, cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

PV: Trong tuần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ. Ông có kỳ vọng gì về triển vọng trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước sau chuyến thăm này?

Ông Adam Sitkoff: Ngày nay, Hoa Kỳ và Việt Nam là đối tác và bạn bè thân thiết - điều mà người ta từng không thể tưởng tượng được. Chúng ta đã vượt qua những rạn nứt trong quá khứ để xây dựng một mối quan hệ bền chặt và sôi động như ngày nay. Tình hữu nghị này được xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam
Ông Adam Sitkoff

Hai nước chúng ta hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế toàn cầu, giáo dục, an ninh khu vực, an ninh lương thực và năng lượng, ứng phó với thiên tai và hơn thế nữa. Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một tín hiệu rõ ràng cho thấy mọi thứ đang trở lại bình thường, sau hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham gia một số hoạt động và cuộc họp liên quan đến doanh nghiệp. Tôi mong đợi một số dự án trọng điểm sẽ được tiến hành trong thời gian tới.

PV: Mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam phát triển như thế nào trong những năm qua, thưa ông? Kỳ vọng của ông về sự phát triển trong tương lai của mối quan hệ là gì?

Ông Adam Sitkoff: Thương mại là nền tảng của mối quan hệ song phương và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có những thay đổi lớn. Ngay khi khôi phục quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ, AmCham tại Việt Nam đã được thành lập vào tháng 4/1994. Từ đó đến nay, các thành viên của AmCham đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Những thành viên lâu năm của chúng tôi đã có nhiều đóng góp, giúp bình thường hóa mối quan hệ song phương. Các thành viên của AmCham đã đầu tư hàng tỷ USD, tuyển dụng hàng chục nghìn nhân viên trực tiếp, hàng trăm nghìn nhân viên gián tiếp và đóng góp một phần đáng kể vào quá trình xuất khẩu và ngân sách của Việt Nam.

Nguồn: TTXVN
Nguồn: TTXVN

Quãng thời gian mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam chưa phải là dài, nhưng họ đang hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, giúp đất nước hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra việc làm có chất lượng và nâng cao năng suất, đảm bảo sự an toàn và bảo vệ môi trường. Hai nước chúng ta đã có kim ngạch thương mại hơn 111 tỷ USD vào năm ngoái và Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ngay cả trong thời kỳ đại dịch khủng khiếp này. Là nhà đầu tư lớn tại đây, chúng tôi đang nối tiếp sự thành công của Việt Nam và hướng tới một tương lai tươi sáng tại đây.

PV: Ông đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh tại Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực?

Ông Adam Sitkoff: Tôi luôn nghĩ rằng, Việt Nam được hưởng nhiều lợi thế hơn các nước láng giềng: Đường bờ biển dài; nguồn cung cấp thực phẩm tuyệt vời, một lực lượng lao động năng động và nhiều hơn thế nữa. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với các đối tác trong Chính phủ về việc cải thiện môi trường kinh doanh để giúp thu hút thêm các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi cuộc sống dần trở lại bình thường, nhiều kế hoạch đầu tư trước đây bị trì hoãn do đại dịch sẽ được tái khởi động. Điều này sẽ giúp tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực lạm phát toàn cầu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục diễn ra đang khiến các công ty phải xem xét kỹ mức độ rủi ro và kế hoạch mở rộng của mình.

“AmCham và các thành viên của chúng tôi lạc quan về sự phục hồi lành mạnh và bền bỉ ở Việt Nam khi chúng ta đang điều chỉnh để sống an toàn với Covid-19. Yếu tố quan trọng nhất để có một môi trường đầu tư thuận lợi, duy trì và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất là một môi trường pháp lý công bằng, minh bạch và tinh gọn, coi trọng sự đổi mới - không chỉ để thu hút đầu tư mới, mà còn để duy trì và tăng trưởng nguồn lực đầu tư sẵn có” - ông Adam Sitkoff nói.

Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh, làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tính ổn định và nhất quán của các quy hoạch và hướng dẫn tổng thể của địa phương có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp. Việc thay đổi các quy hoạch tổng thể và hướng dẫn của địa phương không được ảnh hưởng, làm chậm trễ, hoặc có tác động tiêu cực đến sự phát triển của các dự án đầu tư.

Tôi cũng tin rằng, sự minh bạch và khả năng dự báo cao hơn trong hệ thống thuế của Việt Nam sẽ củng cố môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là tránh các phán quyết và đánh giá có hiệu lực hồi tố. Chính phủ có thể hành động ngay bây giờ để làm cho đất nước trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó giúp tăng trưởng kinh tế liên tục.

PV: Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới, nhất là các triển vọng hợp tác sau chuyến công tác Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ góc nhìn của đại diện một hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông có khuyến nghị điều gì?

Ông Adam Sitkoff: Tôi cho rằng, những rào cản đối với đầu tư nước ngoài, hạn chế trong khung pháp lý và các thủ tục hành chính nặng nề nên được xem xét cẩn thận và nới lỏng có chọn lọc để khuyến khích tăng cường đầu tư của Hoa Kỳ.

Nhiều doanh nghiệp vẫn lo ngại về những thay đổi trong chính sách và quy định của Việt Nam, bởi chúng vẫn không khả thi, hoặc chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Mọi người thường đề cập đến tác động của chính sách đến các công ty trong nước và các công ty nước ngoài. Nhưng tôi nghĩ rằng, mọi người đều quan tâm đến sự thành công tiếp nối của Việt Nam.

Đó là lý do tại sao các nỗ lực tăng năng suất, giảm chi phí và rủi ro khi kinh doanh ở đây sẽ thực sự giúp ích cho môi trường kinh doanh cho tất cả các nhà đầu tư - bất kể họ đến từ đâu. Điều quan trọng là giảm chi phí và đơn giản hóa thủ tục kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam - trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đảm bảo khả năng cạnh tranh và tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.

Tôi đã sống và làm việc tại Hà Nội gần 20 năm, tôi nhìn thấy cơ hội lớn và tương lai tươi sáng ở đây. AmCham sẽ tiếp tục làm việc để giảm bớt các rào cản đối với thương mại, giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn và tạo ra một môi trường kinh doanh tiêu chuẩn cao, minh bạch và ổn định để đảm bảo rằng, tất cả các nhà đầu tư đều có cơ hội công bằng tại đây.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục đà phát triển tích cực. Thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch năm 2021 đạt hơn 111,56 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.

Về đầu tư, đến tháng 3/2022, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam: Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang... Phía Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số. Ngày 29/3, tập đoàn Vinfast ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD tại bang North Carolina.

Thảo Miên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam