Thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả chưa như mong muốn

08:13 | 21/05/2022 Print
Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Lê Hồng, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn nhiều gian nan, hiệu quả chưa như mong muốn. Vấn đề nổi cộm hiện nay là không ít các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ vẫn bị xâm phạm, không được bồi thường thiệt hại; không được xin lỗi công khai...

Hơn 3 năm phát hiện xử lý gần 16.000 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ do các cơ quan có thẩm quyền (thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lý thị trường, công an, hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp và Tòa án) thực hiện.

Theo ông Trần Lê Hồng, trong những năm qua, hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được tăng cường, thể hiện qua các số liệu thống kê vụ việc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.

Nếu tính từ năm 2018 đến tháng 9/2021 thì chỉ riêng lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra được trên 16.000 vụ việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (chưa tính đến các vụ việc liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan... và của các lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ khác) và xử lý được gần 16.000 vụ với số tiền xử phạt trên 150 tỷ đồng.

Như vậy, có thể nói kết quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các cơ quan thực thi tương đối tích cực, nhiều vụ xâm phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ được phát hiện và xử lý, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ.

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả chưa như mong muốn
Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra hàng nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ. Ảnh: CTV

"Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, chúng tôi cho rằng hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong những năm gần đây, thu được kết quả đáng kể như nêu trên, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội"- ông Trần Lê Hồng nhấn mạnh.

Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, ông Trần Lê Hồng cũng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập đó là hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian qua chỉ dựa chủ yếu vào thủ tục và chế tài hành chính khiến nguồn lực của các cơ quan xử lý vi phạm hành chính đã hạn chế lại càng trở nên quá tải trong khi cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không những không phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình gây ra, mà việc đóng góp để bảo đảm hoạt động xử lý vi phạm của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng không đáng kể. Hạn chế nữa là Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ không phải là cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Chỉ tính riêng năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã chuyển 234 văn bản ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp khác nhau; luôn kịp thời hỗ trợ các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ giải thích, hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ để việc áp dụng được chính xác và thống nhất trên cả nước. Ngoài ra, đơn vị cũng chủ trì và phối hợp, kể cả với các cơ quan và tổ chức nước ngoài và quốc tế, tổ chức hội nghị, hội thảo, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về sở hữu trí tuệ nói chung, thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói riêng.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Theo ông Trần Lê Hồng, có rất nhiều giải pháp khác nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay. Trước tiên là giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khẳng định rõ nhiệm vụ, giải pháp về rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp tính chất dân sự của quyền sở hữu trí tuệ; nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đủ sức răn đe và chú trọng chống hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay đang được triển khai theo hướng này. Đồng thời, việc hướng dẫn thi hành sau khi Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua cũng sẽ tiếp tục được thúc đẩy theo định hướng nêu trên. Cục Sở hữu trí tuệ là đầu mối hoặc phối hợp triển khai xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sở hữu trí tuệ sẽ đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ cần được xác định như một điểm đột phá, nhất là khi nguồn nhân lực chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ ở các cơ quan này từ trung ương xuống địa phương còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng.

Để triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Cục Sở hữu trí tuệ đang triển khai xây dựng đề án liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ, trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoạt động đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho cán bộ chuyên trách của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình, Cục Sở hữu trí tuệ đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ về mặt chuyên môn cho các cơ quan thực thi như: hướng dẫn áp dụng pháp luật, cung cấp các ý kiến chuyên môn đối với những vụ việc cần có ý kiến chuyên môn sâu về sở hữu trí tuệ.

Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ cũng sẽ dành nguồn lực, tăng cường phối hợp các cơ quan thực thi triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho các cán bộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng có những cán bộ đã làm việc nhiều năm mà chưa có cơ hội được đào tạo một cách cơ bản về sở hữu trí tuệ./.

Nguyễn Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam