Tỷ lệ phân chia ngân sách phải thực hiện theo quy định

14:00 | 21/05/2022 Print
Cử tri tỉnh Đồng Nai kiến nghị cần nghiên cứu phương án để lại tỷ lệ nguồn thu ngân sách thỏa đáng cho các địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa trung ương và địa phương thực hiện theo quy định.

Cử tri tỉnh Đồng Nai cho rằng, năm 2021, do dịch bệnh Covid-19, một số tỉnh, thành đã bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề về nhân lực con người và kinh tế. Cử tri kiến nghị cần nghiên cứu phương án để lại tỷ lệ nguồn thu ngân sách thỏa đáng cho các địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng, nhằm tạo điều kiện để các địa phương phục hồi và phát triển kinh tế.

Cân đối ngân sách của tỉnh cơ bản đáp ứng dự toán

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước: Ngân sách trung ương, ngân sách mỗi cấp chính quyền địa phương được phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể; thực hiện phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách và số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới trên cơ sở bảo đảm công bằng, phát triển cân đối giữa các vùng, các địa phương; đồng thời, trong thời kỳ ổn định ngân sách, không thay đổi tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách.

Đối với năm 2021 là năm kéo dài của thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia của tỉnh Đồng Nai là 47% (phần ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp). Vì vậy, đề nghị tỉnh thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Vai trò của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong quyết toán ngân sách
Luật Ngân sách nhà nước đã quy định rõ về phân chia các khoản thu. Ảnh: TL.

Đối với năm 2022, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội, là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, việc xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với từng địa phương (trong đó có tỉnh Đồng Nai) được căn cứ vào dự toán thu ngân sách nhà nước và dự toán chi ngân sách địa phương tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ (chi đầu tư, chi thường xuyên) do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành; trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Luật Ngân sách nhà nước quy định: “Sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương, thực hiện giảm dần tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi ngân sách địa phương hoặc tăng tỷ lệ phần trăm (%) nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương”.

Trên cơ sở Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kết quả thu ngân sách thực tế 8 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã làm việc với địa phương (cùng dự có đồng chí Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) và thống nhất trình Chính phủ trình Quốc hội mức đánh giá thu nội địa năm 2021 của tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, Đồng Nai là một trong số ít địa phương có số thu nội địa (không kể số thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức và lợi nhuận sau thuế) vượt lớn so với dự toán giao (24,7%). Vì vậy, mặc dù có khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng cân đối ngân sách năm 2021 của tỉnh cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ chi theo dự toán.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xác định dự toán thu nội địa năm 2022 (không kể số thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức và lợi nhuận sau thuế, loại trừ đột biến) tăng 6,6% so với ước thực hiện năm 2021, phù hợp với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với chi ngân sách địa phương được tính theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán ngân sách nhà nước (chi đầu tư và chi thường xuyên) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và dự toán thu ngân sách như trên, tỷ lệ điều tiết ngân sách của tỉnh Đồng Nai năm 2022 là 45%, giảm 2% so với giai đoạn trước (phù hợp với khoản 8 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước).

Ngày 13/11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 40/2021/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, theo đó tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (phần ngân sách địa phương được hưởng) của tỉnh Đồng Nai là 45%. Với tỷ lệ điều tiết ngân sách là 45%, dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2022 (chi đầu tư từ nguồn vốn trong nước, không kể chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết; chi thường xuyên) của tỉnh tăng so với dự toán năm 2021 là 484 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương như nêu trên chỉ áp dụng riêng cho năm 2022. Căn cứ tình hình thực tế, năm 2023, Quốc hội sẽ quy định lại cho phù hợp.

Đã bổ sung cho Đồng Nai 500 tỷ đồng phòng, chống dịch

Về kinh phí phục vụ nhiệm vụ phòng, chống; hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính cho biết, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; theo đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 40% mức thực chi theo quy định này đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương còn lại (từ 60% trở xuống); đồng thời, địa phương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này. Vì vậy, đề nghị tỉnh thực hiện theo đúng quy định; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Tài chính để xử lý theo quy định.

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 482/QĐ-TTg quy định: “Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên: Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện... Các địa phương sử dụng tối đa 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương, tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp các địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương..., ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện”.

Ngoài ra, Chính phủ đã có Nghị quyết số 58/NQ-CP yêu cầu cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19.

Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ và đã có văn bản thông báo số cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên cho địa phương là 146.291 triệu đồng để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Đồng Nai;

Mặt khác, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, để đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 66/QĐ-TTg, theo đó Bộ Tài chính đã bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương năm 2021 cho ngân sách tỉnh Đồng Nai 500 tỷ đồng để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, Nghị quyết số 34/2021/QH15 của Quốc hội quy định: “Trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch Covid-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và năm 2022”.

Ngày 03/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2047/QĐ-TTg về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, theo đó đã quy định: “Trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch Covid-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương trong năm 2021 và năm 2022 theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 21/NQ-CP; Quyết định số 482/QĐ-TTg”.

Vì vậy, căn cứ các quy định nêu trên, đề nghị tỉnh Đồng Nai tổ chức thực hiện đảm bảo nguồn lực công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định pháp luật./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam