Nông nghiệp Tây Nguyên liên tục phát triển phù hợp với cơ chế thị trường

11:15 | 22/05/2022 Print
(TBTCO) - Nông nghiệp Tây Nguyên liên tục phát triển theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với cơ chế thị trường.
Nông nghiệp Tây Nguyên liên tục phát triển phù hợp với cơ chế thị trường
Nông nghiệp Tây Nguyên liên tục phát triển phù hợp với cơ chế thị trường. Ảnh: Phúc Nguyên

Giá xuất khẩu tăng từ hơn 20% trở lên so với cùng kỳ năm trước

Tại Diễn đàn "Kết nối Tây Nguyên: Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 21/5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, nông nghiệp Tây Nguyên đã hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để kết nối chuỗi giá trị sản xuất của vùng với nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố, vùng, miền trên cả nước, cũng như xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,05%/năm, năm 2021 tăng 5,8% và chiếm gần 12,8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cả nước. Tây Nguyên đứng đầu cả nước về sản lượng cà phê, hồ tiêu, bơ, chanh leo.

Đặc biệt, năm 2021, nông nghiệp Tây Nguyên ghi dấu cột mốc ấn tượng khi có tỉnh vừa kết nối tiêu thụ nông sản hiệu quả ở thị trường trong nước, vừa xuất khẩu đạt mức 1 tỷ USD. Nông sản Tây Nguyên còn thâm nhập mạnh mẽ hơn vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và châu Âu (EU), đánh dấu bước tiến về chất lượng sản phẩm và sự đổi mới, trưởng thành của các doanh nghiệp.

Không những vậy, đây cũng là năm rất thành công của nông nghiệp Tây Nguyên với thị trường cà phê, hồ tiêu, cao su phục hồi mạnh mẽ. Giá xuất khẩu tăng từ hơn 20% trở lên so với cùng kỳ năm trước. Nền tảng của nông nghiệp Tây Nguyên cũng tiếp tục được củng cố với hàng loạt dự án lớn trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và chế biến.

Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết, ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Tây Nguyên với một số hiệp hội ngành hàng chủ lực như cà phê và ca cao, hồ tiêu, rau quả, nông nghiệp số… ; ký kết biên bản hợp tác giữa 5 tỉnh Tây Nguyên với một số chuỗi phân phối nông sản; ký kết giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh; ký kết giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.

Mở rộng không gian tiêu thụ và nâng cao giá trị hàng nông sản

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nông nghiệp vùng Tây Nguyên đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh nhưng cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như từ xuất phát điểm "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát" và do "3 biến" (biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thể tiêu dùng).

Mặc dù Tây Nguyên có một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao nhưng nhìn chung sản xuất nông nghiệp còn phát triển tự phát theo phong trào, hiệu quả trên một đơn vị diện tích chưa cao nên thu nhập và đời sống của đồng bào dân tộc vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều….

Để phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế của Tây Nguyên, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trước tiên cần đẩy mạnh kết nối cả ở trong và ngoài nước mở rộng không gian tiêu thụ nông sản và nâng cao giá trị hàng nông sản Tây Nguyên khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đổi mới mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, có giá trị gia tăng cao và bền vững.

Cùng với đó, quá trình tổ chức sản xuất được sự đồng thuận và phù hợp với năng lực, nguyện vọng của người dân; tích hợp đa ngành đa giá trị gắn kết chặt chẽ giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với các vùng kinh tế khác theo chuỗi giá trị.

Ngoài ra, hỗ trợ các địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc giá xây dựng nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 – 2025.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Johan Van Den Ban - Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, De Heus sẽ hợp tác đầu tư xây dựng chuỗi các dự án tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kể trên nhằm xây dựng Tây Nguyên là vùng an toàn dịch bệnh, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín. Định hình Tây Nguyên trở thành Trung tâm cung cấp heo giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao của Việt Nam.../.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu ha, chiếm 91.75% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 1,3 triệu ha đất đỏ bazan. Đây cũng là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước với sự dồi dào về sản lượng và phong phú về chủng loại nông sản gắn với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch sinh thái.

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam