TP. Hồ Chí Minh: Chống thất thu từ giao dịch bất động sản có nhiều tín hiệu khả quan

09:00 | 23/05/2022 Print
(TBTCO) - Thông tin từ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, 4 tháng đầu năm, tình hình thu ngân sách các khoản thu từ đất có nhiều dấu hiệu khả quan, khi đạt hơn 12.600 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng thu ngân sách toàn thành phố. Đặc biệt, cơ quan thuế đã thực hiện đấu tranh, xử lý 10.876 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, thu thêm hơn 180 tỷ đồng cho ngân sách. Trong đó, thuế thu nhập cá nhân được 147 tỷ đồng, lệ phí trước bạ 33 tỷ đồng.

Nhiều biện pháp chống thất thu đã được triển khai

Ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua có nhiều trường hợp, người nộp thuế khi chuyển nhượng bất động sản (BĐS) đã kê khai giá mua bán với cơ quan thuế thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế. Hệ quả khi người nộp thuế kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), lệ phí trước bạ (LPTB) theo giá trên hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất thấp hơn giá giao dịch thực tế để giảm số thuế TNCN, LPTB phải nộp đã gây thất thu ngân sách hàng năm rất lớn.

Theo ông Giao, thời gian đầu do việc xác định giá giao dịch mua bán nhà, đất thực tế trên thị trường vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ ấn định thuế TNCN, LPTB, nên đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc xác định được giá giao dịch thực tế của từng hồ sơ. Về việc này, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo các sở, ngành có liên quan cùng phối hợp thực hiện triển khai trong công tác đấu tranh chống thất thu, tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Cơ quan thuế đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm chống thất thu, phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra xử lý các trường hợp cố tình thực hiện hành vi kê khai sai, gây sai lệch số thuế phải nộp, thất thu thuế cho ngân sách.

Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục khai thuế giao dịch bất động sản tại Chi cục Thuế TP. Thủ Đức. Ảnh: SƠN NAM
Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục khai thuế giao dịch bất động sản tại Chi cục Thuế TP. Thủ Đức. Ảnh: Sơn Nam

Tại các chi cục thuế trực thuộc, bước đầu đã triển khai công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế (NNT) kê khai trung thực giá chuyển nhượng BĐS trên hợp đồng mua bán; phát hành giấy mời đối với các trường hợp có dấu hiệu kê khai không trung thực và đề nghị NNT điều chỉnh lại giá chuyển nhượng trên hợp đồng mua bán đúng với giá thực tế.

Nguồn dữ liệu của cơ quan thuế, của các hồ sơ đã xác định nghĩa vụ tài chính được căn cứ vào lịch sử giao dịch của BĐS, so sánh giá chuyển nhượng của các BĐS có đặc điểm tương đồng về khu vực, vị trí, tuyến đường, diện tích, kết cấu. Cùng với đó, cơ quan thuế phối hợp với các văn phòng công chứng để cung cấp thông tin liên quan đến nhà, đất các bên đang giao dịch, cụ thể như việc lập phụ lục hợp đồng; hợp đồng sửa đổi, điều chỉnh hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hay việc lập các hợp đồng đặt cọc; hợp đồng hứa mua - hứa bán...

Không gây phiền hà cho người nộp thuế

Để tăng cường chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới sẽ tích cực tham mưu cơ quan cấp trên, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và BĐS. Cụ thể, cơ quan thuế sẽ tập trung vào tuyên truyền, vận động NNT nắm rõ các quy định pháp luật và chủ động, tự nguyện kê khai lại theo giá chuyển nhượng thực tế.

Cùng với đó, cục thuế sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng BĐS như: tiếp tục gửi thư ngỏ đến NNT; đấu tranh, thuyết phục; xây dựng kế hoạch triển khai, báo cáo UBND thành phố, quận, huyện để thống nhất chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đã giao dịch và kê khai thuế đối với chuyển nhượng BĐS, các thông tin liên quan khác phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động này.

Tăng thu 180 tỷ đồng từ chống thất thu chuyển nhượng bất động sản

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã phối hợp với các ngân hàng thương mại cung cấp dữ liệu dòng tiền giao dịch của bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng khi người nộp thuế khai giá giao dịch theo hợp đồng thấp hơn giá giao dịch thông thường để xác định giá thực tế đối với một số trường hợp cụ thể.

Bằng sự nỗ lực của cơ quan thuế cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Thuế về công tác chống thất thu trong chuyển nhượng bất động sản, trong 3 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã được thực hiện đấu tranh, xử lý 10.876 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, thu thêm hơn 180 tỷ đồng cho ngân sách, trong đó thuế thu nhập cá nhân 147 tỷ đồng, lệ phí trước bạ 33 tỷ đồng.

Về phía cơ quan thuế, ông Giao cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi cục thuế trực thuộc thực hiện các bước tiếp nhận và xử lý hồ sơ chuyển nhượng BĐS theo đúng quy định về trình tự, thủ tục xử lý hồ sơ; đồng thời nghiêm cấm các trường hợp tùy tiện, gây khó khăn, phiền hà cho NNT; các trường hợp cơ quan thuế yêu cầu NNT giải trình phải có thư mời; yêu cầu khi làm việc phải lập biên bản ghi nhận sự việc và kèm tài liệu chứng minh (nếu có) làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý ấn định thuế, kiểm soát sau (đối chiếu ngân hàng, phối hợp phòng công chứng, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai,...), tránh tình trạng làm chậm trễ hồ sơ, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, để chống thất thu thuế hiệu quả, ngoài việc cần có các quy định chặt chẽ, thống nhất của các văn bản pháp luật về thuế, về đất đai, kinh doanh bất động sản, về hoạt động công chứng... thì công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan phải được tăng cường.

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam