Kết nối, chia sẻ thông tin để phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu

08:10 | 23/05/2022 Print
(TBTCO) - Tính đến nay, hệ thống hải quan điện tử đang theo dõi đánh giá hơn 182 nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu; thực hiện phân tích khoảng hơn 1 triệu chỉ số tiêu chí/năm, đảm bảo phân luồng thông suốt gần 100 triệu tờ khai. Những con số này sẽ còn tiếp tục tăng theo đà phát triển của thương mại quốc tế. Sự liên kết chặt chẽ về thông tin giữa các cơ quan đơn vị sẽ là mấu chốt để vừa quản lý tốt và vừa tạo thuận lợi thương mại.

Cần đủ thông tin để phân luồng chính xác

Năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước. 4 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 242,43 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng 33,21 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 122,48 tỷ USD, tăng 16,5% (tương ứng tăng 17,3 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 119,95 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 15,9 tỷ USD).

Thương mại quốc tế phát triển mạnh mẽ, công tác quản lý rủi ro càng trở nên cấp thiết. Thực tế, phần lớn các lô hàng xuất nhập khẩu hiện nay, hệ thống thông quan điện tử của cơ quan hải quan chỉ chọn ra khoảng 5% số hàng được xác định là có nguy cơ cao nhất để phân vào luồng đỏ, tức là kiểm tra thực tế. Việc kiểm soát có chọn lọc đã giúp hàng hóa được thông quan nhanh chóng, an toàn và giảm tải cho hải quan. Máy tính tự động phân tích những dữ liệu điện tử được nạp vào và phân luồng hàng hóa một cách chính xác.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Để làm được điều này với hiệu quả cao nhất, cơ quan hải quan phải kết nối, thu thập thông tin từ nhiều nguồn dưới dạng dữ liệu điện tử, giúp cho hệ thống có thể tự động phân tích và phân luồng kiểm tra. Nghĩa là thông tin đầu vào rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay vẫn còn một số thông tin chưa được điện tử hóa, có thể làm ảnh hưởng tới công tác này.

Điển hình như dữ liệu của các doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng. Theo bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Đội trưởng Đội thủ tục, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải Phòng khu vực 3 (Cục Hải quan Hải Phòng), các chứng từ liên quan của đối tượng này đều phải nộp trực tiếp tại cơ quan là các sở xây dựng địa phương. Chính vì thế, việc tiếp nhận giấy đăng ký mất từ 2 - 3 ngày, có trường hợp kéo dài đến 7 ngày. Trong khi đó những hàng hóa thông thường khác việc đăng ký điện tử online làm cho quá trình đăng ký đôi khi chỉ trong 1 ngày.

Để phục vụ công tác quản lý rủi ro, hệ thống thông quan điện tử cần có đủ 4 nhóm thông tin gồm thông tin từ các bộ, ngành; thông tin từ người khai hải quan; thông tin từ nghiệp vụ hải quan; thông tin từ các phương thức, danh sách các đối tượng nghi vấn. Từ 4 nhóm thông tin đó, hệ thống sẽ phân tích và quyết định xem, lô hàng nào cần kiểm tra, lô hàng nào có thể thông quan ngay. Vấn đề là dữ liệu cần được cập nhật kịp thời và phải cập nhật dưới dạng điện tử, chứ không phải văn bản giấy.

Cần thấu hiểu tính tất yếu

Hiện nay, đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia trình Bộ Tài chính gửi xin ý kiến rộng rãi. Sau khi dự thảo nghị định được ban hành, các bộ, ngành sẽ có trách nhiệm tham gia vào quá trình cập nhật dữ liệu cho cơ quan hải quan có đủ thông tin đánh giá rủi ro các lô hàng.

Cụ thể, theo dự thảo, việc thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia giữa các bên liên quan, bao gồm: giữa các cơ quan nhà nước; giữa cơ quan nhà nước với tổ chức; giữa Việt Nam với cơ quan, tổ chức nước ngoài để thực hiện các thỏa thuận, điều ước quốc tế về trao đổi thông tin, chứng từ điện tử.

Đảm bảo sự đồng bộ với quá trình chuyển đổi

Để thúc đẩy quá trình này, vừa qua, Tổng cục Hải quan đã phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số của ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh số hóa; hỗ trợ chuyển đổi số của doanh nghiệp, các bộ ngành và các bên liên quan để đảm bảo sự đồng bộ với quá trình chuyển đổi số về nghiệp vụ của ngành Hải quan. Hy vọng với kế hoạch này, việc chia sẻ dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ ngày càng chặt chẽ, nhưng vẫn đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Phạm vi thông tin cung cấp, chia sẻ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia bao gồm: thông tin liên quan trực tiếp, gián tiếp đến thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia do cơ quan nhà nước, tổ chức cung cấp, chia sẻ; thông tin liên quan đến hành khách, hàng hóa, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; thông tin trao đổi giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài theo các thỏa thuận, điều ước quốc tế về trao đổi thông tin, chứng từ điện tử. Dự thảo cũng đưa ra 20 danh mục thông tin chia sẻ gắn với hoạt động đặc thù của các ngành, lĩnh vực.

Quy định là vậy, song, đại diện Tổng cục Hải quan cũng nhận định rằng, để các bộ, ngành thực sự hiểu và thấy được tính tất yếu và tầm quan trọng của việc chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro thì phải tích cực truyền thông, đồng thời cần có chế tài khen thưởng rõ ràng.

Để thúc đẩy quá trình này, vừa qua, Tổng cục Hải quan cũng đã phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số của ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh số hóa; hỗ trợ chuyển đổi số của doanh nghiệp, các bộ ngành và các bên liên quan để đảm bảo sự đồng bộ với quá trình chuyển đổi số về nghiệp vụ của ngành Hải quan.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam