Giải pháp cho trái phiếu doanh nghiệp: Cần tối ưu nguồn lực xếp hạng tín nhiệm

07:10 | 23/05/2022 Print
(TBTCO) - Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp vẫn được giới chuyên gia đánh giá là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc khai thác hoạt động này cũng cần tối ưu nguồn lực và thuận tiện trong thực thi để tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư khi sử dụng kết quả xếp hạng.

Trái phiếu vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng

Gần đây, một số trường hợp rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp nổi lên khiến dư luận có phần lo lắng đối với kênh đầu tư này. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có sự nghiên cứu, đưa ra chính sách quản lý hiệu quả thị trường này. Theo đó, phần lớn giới chuyên gia tài chính đánh giá rằng, việc kiểm soát là cần thiết để định hướng thị trường vận hành đúng quỹ đạo, an toàn và hiệu quả về mặt lâu dài. Đó cũng là những định hướng đúng đắn để phát huy hiệu quả của trái phiếu doanh nghiệp, thể hiện đúng vai trò là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Trong 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, bình quân đạt 46%/năm, tính đến cuối năm 2021, có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam cũng chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP)…

Trái phiếu vẫn là một trong những kênh huy động vốn hiệu quả của các doanh nghiệp.
Trái phiếu vẫn là một trong những kênh huy động vốn hiệu quả của các doanh nghiệp.

Theo số liệu phân tích từ ông Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đến hết quý I/2022, quy mô thị trường vốn ở mức khoảng 27,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, hệ thống ngân hàng vẫn “gánh” phần lớn nhu cầu vốn cho nền kinh tế với tỷ trọng đạt khoảng 58,4%, trong khi đó, dư nợ trái phiếu chỉ khoảng 12%. Còn lại là vốn từ các kênh khác như huy động cổ phần, bảo hiểm…

Với cơ cấu thị trường tài chính như hiện nay, ông Lực cho biết, hệ thống ngân hàng vẫn đang bị đặt vào tình trạng quá tải do tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn khá cao. Do đó về lâu dài, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn là một kênh dẫn vốn rất quan trọng, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có giải pháp hợp lý để có thể điều tiết thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững.

Điều tiết vai trò định mức tín nhiệm

Đề xuất các giải pháp để điều tiết thị trường trái phiếu, giới chuyên gia thời gian qua cũng đã đề cập nhiều phương án khác nhau như: sửa đổi các quy định pháp lý, nêu cao trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, tổ chức có hiệu quả thị trường thứ cấp, tuyên truyền nâng cao ý thức nhà đầu tư…

Ngoài ra, một trong những giải pháp trọng tâm được nhiều chuyên gia đánh giá cao là phát huy vai trò của tổ chức định mức tín nhiệm. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều chuyên gia cũng đặt ra vấn đề về việc tổ chức vận hành hệ thống hoạt động định mức tín nhiệm cần khoa học, hiệu quả. Ngoài việc đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động phát hành trái phiếu, còn phải đơn giản tiết kiệm cho doanh nghiệp phát hành và dễ dàng thuận lợi cho nhà đầu tư.

Kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững

"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn, lòng tin của nhà đầu tư bị dao động vì những vụ việc xảy ra gần đây. Thị trường dù chưa rơi vào khủng hoảng, nhưng cần một sự chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ.

Hiện nay, một số người lo ngại việc siết chặt thị trường của các cơ quan quản lý sẽ làm mất đi khả năng phát triển của thị trường. Nhưng theo tôi, sự kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Những khó khăn có thể có tạm thời trong ngắn hạn, nhưng thị trường sẽ dần tạo dựng lại niềm tin để đi vào quỹ đạo phát triển ổn định." - Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu.

Theo một số chuyên gia, một trong những yếu tố để đảm bảo cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển không chỉ nằm ở tài sản đảm bảo, mà cần căn cứ vào mức tín nhiệm, sự phát triển, tiềm năng của nhà phát hành trái phiếu. Theo đó, quản trị doanh nghiệp có thể sẽ là mấu chốt của vấn đề thúc đẩy huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Về việc này, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, quản trị doanh nghiệp là gốc rễ bền vững. Nó tác động rất nhiều đến năng lực kinh doanh của doanh nghiệp và đây cũng sẽ là yếu tố làm tăng năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp đó.

Đó là một trong những tiêu chí cơ bản được một số chuyên gia đặt ra để đánh giá doanh nghiệp trong thời gian tới. Ngoài ra, khi đặt ra vấn đề phát triển hệ thống định mức tín nhiệm doanh nghiệp, việc tổ chức hoạt động này sao cho khoa học, đơn giản cũng có vai trò quan trọng. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, quy định pháp lý về xếp hạng tín nhiệm nên có sự sửa đổi bổ sung quy định các công ty xếp hạng phải giải trình phương pháp xếp hạng. Đồng thời, các công ty cũng phải thống nhất ký hiệu xếp hạng để nhà đầu tư dễ hiểu, dễ nắm bắt.

Để tránh tình trạng chồng chéo gây lãng phí nguồn lực và chi phí cho doanh nghiệp, ông Cấn Văn Lực cũng đề xuất quan điểm cho rằng, việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm không cần thiết đưa ra như một điều kiện cứng nhắc. Chẳng hạn như một số doanh nghiệp lớn, họ đã có điểm xếp hạng tín nhiệm do các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá thì có thể không nhất thiết cần có xếp hạng tín nhiệm trong nước nữa.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam