Ngành Thuế lên kế hoạch sớm hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược đến 2030

20:04 | 23/05/2022 Print
(TBTCO) - Chiều 23/5, Tổng cục Thuế tổ chức Hội thảo Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Việc tổ chức hội thảo để sớm có kế hoạch hành động cụ thể thực hiện chiến lược, cho thấy ngành Thuế đang rốt ráo vào cuộc để hiện thực hóa các mục tiêu được cho là "đầy tham vọng" đến năm 2030.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn; ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.

Một chiến lược đầy tham vọng đến năm 2030

Trình bày tại hội thảo, bà Lê Thị Chinh - Phó Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho biết, ngày 23/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 508/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Ngành Thuế lên kế hoạch sớm hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược đến 2030
Thứ trưởng Trần Xuân Hà ghi nhận và biểu dương Tổng cục Thuế đã chủ trì phối hợp với các đơn vị hoàn thiện Chiến lược với chất lượng cao. Ảnh: Đức Minh.

Theo đó, hệ thống chính sách thuế của Việt Nam sẽ được hoàn thiện một cách đồng bộ, phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế theo thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, bao gồm các sắc thuế, phí, lệ phí chủ yếu sau đây: Thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường; các khoản phí, lệ phí và thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và 2026 - 2030, trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, trọng tâm là thể chế quản lý thuế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin.

Theo bà Lê Thị Chinh, Chiến lược đã đề ra 13 chỉ tiêu chủ yếu theo các lĩnh vực trọng yếu của công tác quản lý thuế, chia thành 5 nhóm mục tiêu cụ thể; nhằm kiểm soát định lượng kết quả cụ thể các nhóm chỉ tiêu, như: Đến năm 2025, mức độ hài lòng của người nộp thuế với sự phục vụ của cơ quan thuế đạt tối thiểu 90%; tỷ lệ hỗ trợ người nộp thuế được thực hiện qua phương thức điện tử đạt tối thiểu 70%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký thuế được cơ quan thuế giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ nhận được đạt tối thiểu 80%. Tỷ lệ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế bằng phương thức điện tử của người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức đạt tối thiểu 98%; của cá nhân đạt tối thiểu 85%...

Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được cho là khá tham vọng. Do đó, cơ quan thuế đã có kế hoạch hành động triển khai chiến lược cải cách hệ thống thuế. Theo đó, sẽ ban hành kế hoạch theo từng giai đoạn (5 năm); thành lập Ban Chỉ đạo chiến lược; tuyên truyền chiến lược; đánh giá kết quả định kỳ…

Sẽ có 10 Đề án triển khai chiến lược theo các lĩnh vực then chốt của công tác thuế, như: Đề án thể chế thuế đến năm 2030; Đề án đổi mới và tăng cường năng lực công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đến năm 2030; Đề án đổi mới và tăng cường năng lực công tác đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, miễn giảm thuế, hoàn thuế, thống kê thuế và chế độ kế toán thuế đến năm 2030…

Tập trung cải cách nhiều chính sách thuế quan trọng

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, chiến lược cải cách hệ thống thuế đã được đặt ra tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. Chiến lược đã đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể, theo đó có mục tiêu về động viên ngân sách.

Ông Trương Bá Tuấn cho biết, các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được tính theo GDP điều chỉnh, nên các tỷ lệ của 10 năm tới và 5 năm tới đã được thay đổi.

Cải cách chính sách thuế cùng với cải cách quản lý thuế là 2 vấn đề quan trọng của chiến lược.

Ngành Thuế lên kế hoạch sớm hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược đến 2030
Tổng cục Thuế là cơ quan đầu tiên trong ngành Tài chính tổ chức hội thảo để lên kế hoạch hành động thực hiện chiến lược của ngành mình. Ảnh: Đức Minh.

Về cải cách chính sách thuế, đã đặt ra một số định hướng quan trọng. Ví dụ, thuế giá trị gia tăng, thực hiện mở rộng cơ sở thuế thông qua một số nhóm hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế và nhóm hàng hóa chịu thuế 5%, tiến tới áp dụng một mức thuế suất. Ngoài ra, rà soát điều chỉnh ngưỡng doanh thu áp dụng phương pháp khấu trừ phù hợp thực tế; sửa đổi, bổ sung các quy định về khấu trừ, hoàn thuế đáp ứng các yêu cầu cải cách; điều chỉnh các quy định liên quan đến thuế hàng hóa dịch vụ xuất khẩu…

Hay như đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ rà soát sửa đổi bổ sung đối tượng chịu thuế để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự chuyển dịch về xu hướng tiêu dùng và định hướng của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình tăng thuế đối với thuốc lá, bia rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện cam kết…

Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thời gian tới chiến lược đề ra một số định hướng, như: Đơn giản biểu thuế nhập khẩu, giảm số lượng mức thuế suất (từ 32 mức xuống 25 mức vào năm 2025 và 20 mức vào năm 2030).

Đáng chú ý, đối với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, sẽ có những sửa đổi, hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế; thực hiện ưu đã thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Phát biểu tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá cao Tổng cục Thuế đã phối hợp với các đơn vị trong Bộ hoàn thiện Chiến lược hệ thống thuế đến năm 2030 với chất lượng cao, nội dung toàn diện và văn bản chặt chẽ.

“Đây là một trong 9 chiến lược nhánh trong tổng thể hệ thống chiến lược của ngành Tài chính. Là cơ sở quan trọng tiếp tục cải cách hệ thống thuế, gồm cả chính sách thuế và công tác quản lý thuế. Tôi đánh giá cao Tổng cục Thuế đã chủ động phối hợp các đơn vị xây dựng Chương trình hành động để triển khai chiến lược. Trong đó đã xác định nhiệm vụ cụ thể và sự phân công giữa các đơn vị, xác định lộ trình và kết quả đầu ra từng hoạt động” - Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Thuế tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện kế hoạch hành động để báo cáo lãnh đạo Bộ ban hành kế hoạch hành động để triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng đặc biệt lưu ý, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 phải gắn chặt với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đề ra./.

Doanh nghiệp ghi nhận những cải cách mang tính dấu ấn của ngành Thuế

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI luôn tham gia và đồng hành với Tổng cục Thuế, theo sát những chuyển động của ngành Thuế qua nhiều năm.

“Ngoài đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Thuế có những dấu ấn cải cách đậm nét. Ngành Thuế là ngành có mức độ ứng dụng công nghệ thông tin sớm, mạnh mẽ, bền bỉ và hiệu quả. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thuế rất cao, là ngành cầu thị, bền bỉ đối thoại với doanh nghiệp định kỳ nhiều năm qua” - ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, đối với gói hỗ trợ vừa qua, nhóm chính sách thuế hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn là rất đậm nét.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết thêm: “Qua khảo sát 63 tỉnh thành phố, đón nhận chính sách hỗ trợ của nhà nước ra sao, thì kết quả chúng tôi nhận được là trong nhiều chính sách hỗ trợ thì chính sách thuế là nhóm được doanh nghiệp đánh giá cao nhất. Chương trình hỗ trợ phục hồi, chính sách được ban hành đầu tiên là Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm thuế giá trị gia tăng, là dấu ấn thể hiện sự kịp thời, nhanh chóng của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng”.

Trong thời gian tới, những cải cách thể chế về thuế rất quan trọng, cần được rà soát để đơn giản hơn nữa. Những mục tiêu đề ra trong chiến lược, theo ông Đậu Anh Tuấn là rất lớn, rất tham vọng, thể hiện cam kết cao của Bộ Tài chính và ngành Thuế. Ngành Thuế đã thực hiện rất tốt nhưng vẫn chưa dừng lại, doanh nghiệp mong muốn thời gian tới, các chính sách thuế tiếp tục được đơn giản hơn, đạt được các mục tiêu đề ra, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam