Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công:

Thúc đẩy giải ngân phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu

09:51 | 25/05/2022 Print
(TBTCO) - Gần một nửa chặng đường của năm 2022 đã đi qua, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn đang rất chậm. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2022 mặc dù có tăng nhẹ so với cùng kỳ, nhưng mới đạt 22,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây vẫn là một tỷ lệ thấp so với tổng số vốn cần được giải ngân. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cần có sự quyết tâm vào cuộc với trách nhiệm cao để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.

PV: Giải ngân vốn đầu tư công được coi là giải pháp để phục hồi nền kinh tế sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể giải ngân vẫn còn đan xen nhiều mảng màu xám. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

TS. Vũ Đình Ánh: Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta khi thường xuyên chiếm trên dưới 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra những cơ sở hạ tầng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội từng địa phương, từng khu vực cũng như cả nước.

Thúc đẩy giải ngân phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu
TS. Vũ Đình Ánh

Tuy nhiên, trong vòng 5 năm gần đây, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã chậm lại, điều này không chỉ tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến giải quyết các vấn đề xã hội. Năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành chỉ tăng 3,2% so với năm 2020, đặc biệt vốn đầu tư của khu vực nhà nước chỉ còn chiếm 24,7% tổng vốn, giảm tới 2,9% so với năm 2020. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 chỉ bằng 84,3% kế hoạch năm và giảm tới 8,6% so với năm trước (các con số tương ứng năm 2020 là 90,5% và tăng tới 33,6%), trong đó vốn trung ương quản lý bằng 81,2% kế hoạch năm và giảm 8,2% còn vốn địa phương quản lý cũng chỉ bằng 85% và giảm tới 8,7%.

Rõ ràng, vốn đầu tư công chậm giải ngân đã tác động tiêu cực tới khả năng phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khi đầu tư công cùng với kích thích tiêu dùng trong nước là trọng tâm của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội không chỉ của năm 2022, mà cả của một số năm tiếp theo. Hơn nữa, tăng tốc đầu tư công càng trở nên quan trọng khi đầu tư của các khu vực kinh tế ngoài nhà nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực có vốn FDI chỉ còn chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư - mức thấp nhất so với nhiều năm trở lại đây và giảm 1,1%. Bên cạnh đó, gói kích thích kinh tế đang được thiết kế cho những năm tới có cấu phần quan trọng nhất chính là đầu tư công với quy mô lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn cứ ì ạch như hiện nay. Chính vì vậy, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cần phải được đặt ra như nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Các chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp hoàn thành giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch.
Các chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp hoàn thành giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch.

PV: Đúng là tiến độ giải ngân hiện nay đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Ông có đánh giá gì về sự vào cuộc quyết liệt này của cả hệ thống chính trị?

TS. Vũ Đình Ánh: Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 6 tổ công tác trực tiếp cùng các chủ đầu tư tháo gỡ những vướng mắc, nhằm kịp thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là đặc biệt cần thiết và có hiệu quả trong bối cảnh không ít dự án đầu tư công đang phải đối mặt với những rào cản từ quy định pháp lý, cơ chế, quy trình, thủ tục triển khai và thanh quyết toán dự án, giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nguồn nguyên nhiên vật liệu phục vụ dự án, đến biến động giá đầu vào và cả yếu tố tâm lý của một bộ phận cán bộ có liên quan.

Quy trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức, cá nhân

Để chấm dứt tình trạng chậm giải ngân, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, một mặt cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công đi đôi với hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, giải ngân và thanh quyết toán vốn đầu tư. Mặt khác, cần rà soát quy trình đầu tư theo hướng tinh giản, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức, từng cá nhân có liên quan, tiến tới chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, cũng như sợ trách nhiệm khiến cho không ít dự án đầu tư chậm triển khai, chậm tiến độ và theo đó không thể giải ngân được cho dù đã bố trí được nguồn vốn đầy đủ.

Vấn đề quyết định thành bại của các tổ công tác thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chính là mỗi tổ công tác, cũng như mỗi thành viên cần có đủ quyền hạn và trách nhiệm để xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo nguyên tắc “tiền trảm hậu tấu”, tránh quy trình thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.

Bên cạnh đó, thành viên mỗi tổ công tác cần hội tụ đủ năng lực, trình độ chuyên môn cao, tác phong làm việc chuyên nghiệp và phẩm chất đạo đức tốt, đồng thời có đường dây nóng trực tiếp báo cáo với Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực những vấn đề vượt thẩm quyền để xử lý kịp thời và dứt điểm. Chỉ có như vậy, tiến độ giải ngân mới được đẩy nhanh và hoạt động của tổ công tác mới nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

PV: Có nhiều nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân bị chậm đã được chỉ ra, trong đó, có cả nguyên nhân từ sự thiếu quyết tâm, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, chưa thật sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo. Để chấm dứt tình trạng này cần giải pháp gì, thưa ông?

TS. Vũ Đình Ánh: Vấn đề then chốt để tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát trong đầu tư công chính là cần chuyển từ cơ chế xin - cho sang cơ chế giao nhiệm vụ đầu tư công, gắn trách nhiệm thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công với nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân có liên quan trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Chỉ có như vậy, đầu tư công mới khắc phục được những bất cập hạn chế cố hữu, đồng thời trở thành công cụ hữu hiệu trong phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Tôi hy vọng với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của Chính phủ và sự sáng tạo dám làm dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức có liên quan, khắc phục được những hạn chế nêu ở trên thì chúng ta chắc chắn sẽ đạt, thậm chí vượt kế hoạch đầu tư công năm 2022.

PV: Xin cảm ơn ông!

Còn tình trạng “né” trách nhiệm làm chậm tiến độ giải ngân

Theo TS. Vũ Đình Ánh, mặc dù đã có nhiều nỗ lực song tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa được như kỳ vọng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Đầu tiên phải kể đến là các quy định pháp lý liên quan đến Luật Đầu tư công và các luật có liên quan khác tuy đã được bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện nhưng vẫn chưa thật sự đồng bộ nên đã gây lúng túng cho các chủ đầu tư và các ban quản lý dự án khi triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, quản lý dự án đầu tư công vẫn còn nhiều nội dung, nhiều khâu, nhiều cấp với quy trình và thủ tục rườm rà, phức tạp, nặng về phê duyệt, xin – cho, hợp thức hóa,... mà chưa dành quyền chủ động cho chủ đầu tư đi đôi với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Quyền và trách nhiệm của cá nhân với quyền và trách nhiệm của tập thể chưa được phân định rạch ròi nên không ít dự án đầu tư công chậm triển khai….

Cũng theo TS. Vũ Đình Ánh, thực tế có một số bộ ngành, địa phương có tiến độ giải ngân rất tốt, thậm chí vượt cả kế hoạch trong khi nhiều bộ ngành, địa phương khác lại triển khai ì ạch là do ý thức trách nhiệm và quyết tâm không cao của một bộ phận cán bộ công chức có liên quan đến triển khai và giải ngân dự án đầu tư công. Một số trường hợp chậm giải ngân không bị quy trách nhiệm rõ ràng nên xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Vân Hà (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam