BIDV và ADB: Lợi nhuận ngân hàng năm 2022 có thể tăng trưởng 20 - 25%

10:25 | 25/05/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 25/5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng 2022”. Trong đó, báo cáo dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 có thể tăng trưởng khoảng 20 - 25%.

Đây là lần đầu tiên một định chế tài chính Việt Nam phối hợp với ADB thực hiện một báo cáo toàn cảnh thị trường tài chính Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm. Báo cáo được biên soạn bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Theo nội dung báo cáo, sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh năm 2020 - 2021, nền kinh tế đang phục hồi khá nhanh nhờ thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp.

BIDV và ADB: Lợi nhuận ngân hàng năm 2022 có thể tăng trưởng 20 - 25%
BIDV và ADB: Lợi nhuận ngân hàng năm 2022 có thể tăng trưởng 20-25%. Ảnh: C.T
Lợi nhuận ngân hàng quý I: Tín hiệu vui nhưng vẫn có yếu tố cảnh báo Duy trì quan điểm thị trường tích cực trong năm 2022, SSI đặt mục tiêu lợi nhuận 30% Lợi nhuận quý I/2022 vượt cả năm 2021, FE Credit tăng tốc trong chiến lược 5 năm

Một số chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được triển khai. Một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn phát triển tốt, năng lực của các định chế tài chính được tăng cường, gia tăng khả năng thích ứng, đẩy mạnh chuyển đổi số… Năm 2021, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn chứng khoán tăng trưởng 49,5%.

Ngân hàng số tăng nhanh với dịch vụ mobile banking tăng 75% về số lượng giao dịch, tăng 87% về giá trị giao dịch. Tuy nhiên, thị trường ngân hàng cũng xuất hiện rủi ro như nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, tội phạm tài chính tăng; thị trường chứng khoán sau giai đoạn phát triển nhanh đang có những điều chỉnh giảm điểm, xuất hiện thao túng giá, vi phạm công bố thông tin…

Những rủi ro này đang được cơ quan quản lý nhận diện và đang có những chính sách, giải pháp khắc phục nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường. Trên thị trường bảo hiểm, tỷ lệ chi trả bảo hiểm dự báo sẽ tăng lên khi kinh tế phục hồi và tiền trình chuyển đổi số của ngành bảo hiểm còn chậm.

Về triển vọng năm 2022, kinh tế Việt Nam dự báo có thể phục hồi tốt hơn trong năm 2022, tăng trưởng có thể đạt 5,5% - 6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát có thể tăng lên đạt mức 3,8 - 4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023.

Trong lĩnh vực ngân hàng, lợi nhuận toàn ngành năm 2022 kỳ vọng tăng trưởng khoảng 20 - 25% so với năm 2021 với tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt mức khoảng 14 - 15%.

Vấn đề hoàn thiện thể chế (gồm cả cơ chế xử lý nợ xấu, quản lý mô hình kinh doanh mới…), phối hợp chính sách kiểm soát ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, mặt bằng lãi suất…), tăng vốn, chuyển đổi số và thực hiện chương trình phục hồi của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được chú trọng.

Với chứng khoán, thị trường cổ phiếu dự báo sẽ có những điều chỉnh cần thiết, đi vào ổn định hơn. Khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ dự kiến không đổi so với năm 2021 do quy mô đáo hạn trái phiếu chính phủ thấp hơn các năm trước, góp phần làm giảm áp lực phát hành thêm trái phiếu chính phủ để cơ cấu lại nợ công.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ tiếp tục phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn khi các quy định được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn cùng với các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát để giảm bớt rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường.

Trong khi đó, thị trường bảo hiểm năm 2022 được dự báo duy trì tăng trưởng, với doanh thu phí bảo hiểm tăng khoảng 18 - 20%, trong đó bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng.

Cùng với đó, quá trình hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số, tài chính xanh được thúc đẩy; rủi ro hệ thống (nhất là tính lan tỏa giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản) được quan tâm kiểm soát tốt hơn, cũng là bước đi cần thiết nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường./.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam