Chính thức có nghị định về gói hỗ trợ 2% lãi suất:

Còn nhiều bộn bề khi kiểm soát dòng tiền sẽ vẫn là bài toán khó

14:01 | 25/05/2022 Print
(TBTCO) - Việc Chính phủ đã chính thức ban hành nghị định về gói hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đã tạo tâm lý hứng khởi trong cả giới ngân hàng và các nhà kinh doanh. Tuy nhiên, việc chi tiết hóa cũng vẫn còn chờ thông tư hướng dẫn cụ thể hơn, cùng với các giải pháp kiểm soát dòng tiền đến đúng địa chỉ cũng là bài toán khó.

Cánh cửa đã rộng mở

Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa được ban hành cuối tháng 5/2022 đã tạo nên tiền đề quan trong việc hiện thực hóa các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ trong chính sách hỗ trợ người dân.

Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm dự kiến triển khai trong hai năm 2022 - 2023, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng mỗi năm. Các trường hợp được hỗ trợ bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi và các trường hợp vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua.

Nguồn: Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
Nguồn: Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Đây là một giải pháp mang tính chất kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Giải pháp cấp bù lãi suất có tính ưu việt ở chỗ dù xuất phát điểm là chính sách tài khóa do nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nhưng không thực hiện cấp phát trực tiếp mà thông qua hệ thống cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Trong số 176 nghìn tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, ngân sách sẽ bố trí hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40 ngàn tỷ đồng, đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực. Theo đó, gói hỗ trợ lãi suất cũng có thể coi là một trong những giải pháp được kỳ vọng có thể góp phần thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, theo tính toán của ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng Phòng phân tích thuộc Công ty chứng khoán Pinetree, với giả định lãi suất cho vay bình quân là 10% thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng vay nợ được hỗ trợ lãi suất, chiếm tỷ trọng tương đương khoảng 9% dư nợ toàn hệ thống. Đồng thời, gói hỗ trợ lãi suất trên sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Nhưng công việc còn nhiều bề bộn

Nghị định 31 được ban hành làm rộng mở hơn cánh cửa cho doanh nghiệp và các nhà kinh doanh trong có thể tiếp cận vốn giá rẻ, đồng thời các ngân hàng cũng có thêm cơ hội tiếp cận khách hàng.

Theo quy định tại nghị định, ngân sách nhà nước bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất để các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng. Theo đó, khách hàng được vay vốn khi có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại, sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất đúng mục đích, có trách nhiệm trong việc phối hợp với ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất. Khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

Tiền hỗ trợ không đúng sẽ bị xử lý thu hồi

Theo quy định tại Nghị định 31, trong quá trình thực hiện, trường hợp phát hiện khoản vay của khách hàng được xác định không thuộc đối tượng, sử dụng vốn vay sai mục đích hoặc không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, ngân hàng thương mại thông báo cho khách hàng và thực hiện chuyển khoản vay được hỗ trợ lãi suất thành khoản vay thông thường, đồng thời thu hồi toàn bộ số tiền ngân hàng thương mại đã hỗ trợ lãi suất trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo.

Trường hợp khách hàng không hoàn trả số tiền đã được hỗ trợ lãi suất, ngân hàng thương mại có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi khách hàng đặt trụ sở chính) để báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn phối hợp với ngân hàng thương mại thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất.

Một trong những ưu việt nổi bật của gói cấp bù lãi suất 2% là tiền hỗ trợ đến được người dân và doanh nghiệp nhanh hơn với chi phí thấp do tận dụng kênh phân bổ và cơ chế cho vay đã sẵn có của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra đối với giải pháp này là việc kiểm soát dòng tiền, cụ thể lượng tiền lớn đổ ra nền kinh tế có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát nếu không được kiểm soát tốt.

Theo đó, trong kế hoạch dự kiến, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phải có những quy định cụ thể thể hiện trong thông tư hướng dẫn để các ngân hàng và doanh nghiệp có cơ sở thực hiện việc cho vay đúng quy định, đúng đối tượng.

Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước tại dự thảo thông tư hướng dẫn, khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng (bao gồm số lãi tiền vay khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất và dự kiến số lãi tiền vay còn phải thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này đến ngày 31/12/2023) đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Tài chính có biện pháp quản lý bằng phương pháp phân bổ hạn mức số tiền hỗ trợ lãi suất còn lại đối với từng ngân hàng thương mại. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ cần phải hướng dẫn cụ thể cách thức phân bổ hạn mức số tiền hỗ trợ lãi suất còn lại để thông báo cho các ngân hàng thương mại.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam