Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt - thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh

16:04 | 25/05/2022 Print
(TBTCO) - Người Việt Nam không chỉ ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng gặp khó khăn, không ít người tiêu dùng đã coi hàng Việt là niềm tự hào và là lựa chọn số 1, qua đó góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.

76% người tiêu dùng Việt chuộng hàng nội địa

Theo thống kê từ Bộ Công thương, đến nay hàng Việt đã chiếm tỉ lệ cao (trên 90%) trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỉ lệ này chiếm từ 60 - 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỉ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Hàng Việt từ lâu đã len lỏi đến từng ngõ ngách, thôn bản, làng xã và các gia đình người Việt. Từ sự thân quen, gần gũi đã trở thành niềm tin, không ít người tiêu dùng đã chọn hàng Việt Nam là số 1 trong giỏ hàng hóa mua sắm của cá nhân và gia đình.

Một nghiên cứu gần đây của Công ty Đo lường toàn cầu Nielsen chỉ rõ, sau dịch Covid-19, có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.

Hàng Việt đang là sự lựa chọn số 1 trong giỏ hàng hóa của người tiêu dùng Việt Nam bởi giá cả và chất lượng.
Hàng Việt đang là sự lựa chọn số 1 trong giỏ hàng hóa của người tiêu dùng Việt Nam bởi giá cả và chất lượng.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương khẳng định, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý của các doanh nghiệp cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước và quyết định lựa chọn. Hàng Việt ngày càng chiếm được niềm tin của khách hàng do cơ bản có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng và chất lượng không kém hàng ngoại.

Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa cũng ưu tiên hàng trong nước, việc vận động ủng hộ hàng cứu trợ những nơi bị phong tỏa, cách ly cũng được sử dụng hàng Việt, với mong muốn hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp, đồng thời gắn trách nhiệm của đơn vị sản xuất với sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với đó, việc giúp đỡ tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản của địa phương lan tỏa rộng khắp khiến người tiêu dùng quan tâm sử dụng hàng Việt nhiều hơn.

Chị Trịnh Quỳnh Trang (giáo viên cấp I tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, lâu nay gia đình chị chỉ chọn những mặt hàng có thương hiệu trong nước với mong muốn ủng hộ hàng Việt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Hơn nữa hàng Việt được gia đình ưu tiên lựa chọn còn bởi chất lượng ngày càng cải thiện và được công bố rõ ràng, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm, đặc biệt là giá cả cũng “mềm” hơn hàng ngoại vốn phải chịu thêm thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển.

Đưa hàng Việt tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng

Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022, nhằm góp phần phục hồi phát triển kinh tế xã hội, thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tiếp tục xây dựng văn hóa kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam.

Bà Lê Việt Nga cho biết, với vai trò trọng trách được giao, Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Từ đó, tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng.

Hàng Việt đã và đang trở thành lựa chọn của người tiêu dùng Việt

Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, Hapro… cho thấy, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90 - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60 - 96%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên. Điều này đã cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là sự vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà hiện tại, hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt.

Cũng theo bà Nga, để chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt được lan tỏa sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, trong năm 2022, Bộ Công thương cũng tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động mua sắm hàng Việt Nam theo hình thức phù hợp với tình hình mới, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tới các đối tác, doanh nghiệp trong và nước ngoài.

Đồng thời, tổ chức thực hiện Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2022, nhằm nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam, hướng tới đưa hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và tự hào sử dụng hàng Việt Nam.

Phúc Hải

© Thời báo Tài chính Việt Nam