Giải ngân vốn đầu tư giao thông: Nhanh phải đi đôi với chất lượng công trình

13:30 | 27/05/2022 Print
(TBTCO) - 5 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Giao thông vận tải (GTVT) giải ngân đạt 15.080 tỷ đồng, đạt 34,9% kế hoạch đã giao chi tiết. Kết quả này góp phần đưa kết quả giải ngân bình quân chung của ngành GTVT cao hơn bình quân chung cả nước, chất lượng các công trình cũng được kiểm soát chặt chẽ, góp phần quan trọng giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid 19…

Giải ngân hơn 15.000 tỷ đồng

Theo Bộ GTVT, dự kiến trong tháng 5/2022, Bộ GTVT giải ngân 3.880 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 5/2022 đạt 15.080 tỷ đồng, đạt 34,9% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 29,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (QLDA) qua 4 đợt với tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, hiện đã có 48/64 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, còn lại 16 dự án. Đến nay, 14/48 dự án đã được phê duyệt, còn lại 34 dự án dự kiến phê duyệt trước ngày 30/6/2022.

Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 		 Ảnh: Phúc Nguyễn
Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Phúc Nguyễn

Với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, hiện sản lượng thi công đạt 39,2% giá trị hợp đồng. Một số dự án còn chậm tiến độ so với kế hoạch như Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Diễn Châu - Bãi Vọt.

Các ban quản lý dự án có kết quả giải ngân tốt trong tháng trước tiếp tục phát huy được hiệu quả giải ngân trong tháng 5/2022, điển hình là Ban Quản lý dự án Thăng Long với khối lượng giải ngân gần 3.100 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án Đường thủy giải ngân 352 tỷ đồng (35,5%), vượt 33 tỷ đồng. Kết quả này đã góp phần đưa kết quả giải ngân bình quân chung của ngành GTVT hơn bình quân chung cả nước (khoảng 5%).

Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn chưa đảm bảo giải ngân theo kế hoạch như Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chậm 380 tỷ đồng; Sở GTVT Đồng Tháp chỉ giải ngân được 7/422 tỷ đồng (1,8%); Sở GTVT Tuyên Quang chỉ giải ngân được 2,4/206 tỷ đồng (1,2%).

Cũng theo Bộ GTVT, từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân còn hơn 35.000 tỷ đồng, bình quân giải ngân 5.000 tỷ đồng/tháng. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, các ban quản lý dự án/chủ đầu tư cần tập trung xác định nhu cầu giải ngân ở dự án nào, chủ đầu tư nào. Tổng hợp lại kế hoạch giải ngân từng tháng, từng dự án, không để tập trung vào cuối năm, bước vào mùa mưa, việc giải ngân sẽ rất khó khăn.

Nâng cao hiệu quả đầu tư dự án giao thông

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, kết quả giải ngân 5 tháng đầu năm 2022 của ngành GTVT đạt mức cao so với bình quân chung cả nước. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ và siết chặt kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ GTVT đã thực hiện phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các chủ đầu tư, Ban QLDA, đồng thời phân định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, cũng như các chế tài xử lý.

Nhờ vậy, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được thực hiện tốt hơn, chất lượng cao hơn, đảm bảo tiến độ yêu cầu, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Để nâng cao chất lượng và siết chặt kỷ cương, trách nhiệm, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự đảm bảo chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực điều hành, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng.

Các chủ đầu tư, Ban QLDA quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa các bộ phận, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư và nhiệm vụ được Bộ GTVT phân cấp, ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật.

Trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án qua 4 đợt với tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, hiện đã có 48/64 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, còn lại 16 dự án.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA ngay sau khi được giao nhiệm vụ quản lý các cương trình, dự án có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết cho từng chương trình, dự án, từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc xây dựng.

Kế hoạch thực hiện phải gắn với kế hoạch giải ngân, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tiến độ yêu cầu, có dự phòng cho các yếu tố bất lợi như điều kiện thời tiết, tiến độ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, việc triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, bám sát, theo dõi việc triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Bộ GTVT cũng yêu cầu thực hiện việc đấu thầu qua mạng đối với toàn bộ các gói thầu xây lắp, tư vấn, phi tư vấn sử dụng nguồn vốn trong nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT.

Đối với các gói thầu sử dụng nguồn vốn ODA, thực hiện đấu thầu theo quy định, hướng dẫn của nhà tài trợ, trong quá trình thực hiện, cần đề xuất nhà tài trợ ưu tiên áp dụng đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm việc bảo mật thông tin trong đấu thầu; nghiêm cấm các hành vi gian lận, cản trở, thông thầu, tiết lộ thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu và các hành vi bị cấm. Nghiêm cấm các hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Người đứng đầu chủ đầu tư, ban QLDA chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước Bộ trưởng Bộ GTVT về những tồn tại, sai sót, vi phạm trong lựa chọn nhà thầu.

Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam