Quảng Ninh: Thu ngân sách nhà nước 5 tháng tăng 20% so với cùng kỳ 2021

16:26 | 27/05/2022 Print
(TBTCO) - Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục được đảm bảo, nền kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 23.118 tỷ đồng, bằng 44% dự toán năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số phát triển công nghiệp 5 tháng tăng 11,4%, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 14,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,7%. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phục hồi ấn tượng, tổng khách du lịch đạt 4,2 triệu lượt, tăng 79% so với cùng kỳ; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 8.800 tỷ đồng, vượt 8% so với kịch bản tăng trưởng của tỉnh đề ra.

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong tháng 5 và 5 tháng năm 2022 cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động.

Mặc dù các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại, tuy nhiên chủ yếu là thông quan cho hàng hóa bị tắc nghẽn thời gian trước và không phát sinh hàng xuất khẩu từ phía Việt Nam sang Trung Quốc. Tỷ lệ thu nội địa tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên các khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước và thu từ đất vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thu.

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 21,7%, cao hơn so cùng kỳ, tuy nhiên vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Do đó, việc hoàn thành chỉ tiêu giải ngân 50% kế hoạch vốn trước ngày 30/6/2022 là thách thức rất lớn.

Quảng Ninh: Thu ngân sách nhà nước 5 tháng tăng 20% so với cùng kỳ 2021
Một góc TP Hạ Long. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Tường Văn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Nhiệm vụ công tác tháng 6 rất khó khăn, bởi nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh xác định từ đầu năm chưa đạt theo yêu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần bám sát kịch bản đã đề ra, rà soát thật kỹ từng chỉ tiêu cụ thể của ngành, lĩnh vực mình được giao, phụ trách để có giải pháp căn cơ, thực hiện đạt được hiệu quả cao nhất.

Trong đó, tiếp tục thực hiện chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng được chỉ định tiêm theo quy định; tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp, nhất là than, điện; thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng như đã định.

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục hồ sơ, phê duyệt được danh mục đầu tư các dự án, phân khai nguồn vốn theo đúng quy định; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến ngày 30/6 phải giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn được giao.

Về đầu tư ngoài ngân sách, các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung rà soát theo các ý kiến của doanh nghiệp tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp của tỉnh, có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời trong thẩm quyền.

Cùng với đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tăng thu NSNN, rà soát các khoản thu, nhất là nguồn thu thuế, lệ phí; đẩy mạnh việc triển khai công tác lập và quản lý các quy hoạch; tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường.

Lan Hương

© Thời báo Tài chính Việt Nam