Quan tâm hỗ trợ chứ không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

20:10 | 27/05/2022 Print
(TBTCO) - Chiều 27/5, phát biểu tại cuộc tọa đàm “Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng khẳng định, thời gian qua Bộ Tài chính đã luôn quan tâm hỗ trợ, thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí chứ không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ngành Tài chính: Không ngừng cải cách, hiện đại hóa, hỗ trợ doanh nghiệp Ra mắt gói hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với Coivd-19 Ngành Tài chính: Cắt giảm tối đa các thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Chính sách tài khóa hỗ trợ đang phát huy hiệu quả vào cuộc sống

Đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn về ngân sách

Báo cáo trước Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã đưa ra một loạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt cao hơn so với số đã báo cáo trước đó, điển hình như thu ngân sách nhà nước tăng 16,8% dự toán, xuất siêu đạt 4 tỷ USD (số báo cáo Quốc hội trước đó là nhập siêu 2 tỷ USD).

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số yếu tố như giá xăng dầu tăng cao, nguồn nhân lực còn thiếu hụt và việc giải ngân vốn đầu tư công chưa nhanh như kỳ vọng cũng đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển đồng đều của nền kinh tế.

Cuộc tọa đàm là dịp để lãnh đạo một số bộ, ngành nhìn nhận lại, đánh giá khách quan bức tranh tổng thể của nền kinh tế, đồng thời đưa ra các giải pháp đột phá để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, tăng cường an sinh xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu...

Quan tâm hỗ trợ chứ không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp
Bộ Tài chính liên tục thực hiện giãn, giảm, miễn nhiều loại thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Dư luận gần đây có ý kiến còn băn khoăn về tăng thu ngân sách cao trong bối cảnh còn khó khăn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã có lý giải về vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn luôn chỉ đạo trong công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) là bảo đảm tất cả các khoản thu phát sinh thuộc về ngân sách phải được thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Nhìn vào kết quả thu NSNN năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, có một số điểm nổi bật.

Đó là, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Trong năm 2021, trước khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội có những điều chỉnh về chính sách thu ngân sách.

Theo đó, Chính phủ đã thực hiện hỗ trợ miễn, giảm, giãn rất nhiều loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu NSNN cho các doanh nghiệp; tập trung vào các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và vượt qua khó khăn trong đại dịch. Tổng kinh phí miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí năm 2021 trên 123.000 tỷ đồng, trong đó miễn giảm là trên 100.000 tỷ đồng.

Cũng theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, kết quả thu năm 2021 vượt 16,8% so với dự toán, cả ngân sách trung ương và địa phương đều vượt dự toán. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do đại dịch, việc thu vượt dự toán có ý nghĩa hết sức tích cực, là nguồn lực quan trọng giúp trung ương và địa phương đối phó hiệu quả với dịch bệnh.

“Chúng ta đã chi trên 81.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động, nếu tính cả phần kinh phí chúng ta bỏ ra mua vắc-xin, thuốc và thiết lập các cơ sở khám chữa bệnh thì con số đạt hơn 100.000 tỷ đồng. Trong điều kiện thu như vậy, chúng ta có thêm nguồn lực phòng, chống dịch mà không phải vay thêm, tức là không phải bội chi thêm ngân sách cho công tác phòng chống dịch, tôi cho đây là kết quả hết sức tích cực” - Thứ trưởng Võ Thành Hưng khẳng định.

Cơ cấu thu đã bền vững hơn trước

Trước ý kiến còn băn khoăn cho rằng, trong khó khăn thu vượt ngân sách như vậy thì có lạm thu hay không, có tạo gánh nặng cho doanh nghiệp hay không, Thứ trưởng Võ Thành Hưng phân tích, trong điều hành chính sách, chúng ta đã miễn, giảm, giãn cho các doanh nghiệp, đồng thời, số thu vượt như trên là so với dự toán chứ không phải so với thực hiện. Nếu so với thực hiện của năm 2020 thì tổng thu ngân sách chỉ tăng khoảng 3,8% và như vậy hoàn toàn phù hợp với tăng trưởng kinh tế có 2,8%, lạm phát trên 1,8%.

“Chúng ta xây dựng dự toán 2021 đúng vào thời điểm bùng phát dịch lần thứ 3 ở Việt Nam, nhìn ra xung quanh cả thế giới và nhiều nước trong khu vực kinh tế suy giảm rất nặng, các tổ chức quốc tế đều đánh giá là tăng trưởng kinh tế của thế giới là âm khoảng 4 - 5%. Riêng đối với Việt Nam, 9 tháng năm 2021 tăng trưởng 2,1%, thu ngân sách đạt khoảng 64% dự toán, mà nếu bình thường, 9 tháng ta phải thu đạt từ 74 - 75% dự toán. Trên cơ sở tình hình dịch bệnh lúc đó, chúng ta xây dựng dự toán 2021 có phần thận trọng và mặc dù khó khăn như thế nhưng vẫn vượt dự toán” - Thứ trưởng Võ Thành Hưng nói.

Phân tích thêm về cơ cấu thu NSNN, theo Thứ trưởng, thu NSNN đến nay đã dần bền vững hơn. Thu nội địa, tức là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo, thu từ đất đai ngày càng giảm. Trong năm 2021, thu nội địa chiếm khoáng 84 - 85%. Nếu so với giai đoạn trước, chúng ta đã có bước phát triển vượt bậc.

Giai đoạn 2006-2010, thu nội địa chỉ đạt khoảng 60%, còn lại thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất khẩu.

“Cũng có ý kiến cho rằng thu của chúng ta thời gian vừa qua tăng vượt khá chủ yếu từ đất. Đúng là như vậy, thu từ đất vượt tới gần 80.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận sự phục hồi kinh tế quý IV/2021 rất tốt, từ mức âm 6% quý III thì đến quý IV đảo ngược chiều là 5,22%, riêng thu từ sử dụng đất trong quý IV/2021 đạt khoảng 74% dự toán. Thứ hai, thu cũng phản ánh xu thế chung, đó là trong điều kiện kinh tế khó khăn như vậy nhưng niền tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt. Thu hút FDI trong năm 2021 vẫn tăng tới 9% so với 2020 trong bối cảnh chúng ta khó khăn về dịch bệnh như vậy” - Thứ trưởng phân tích thêm.

Ngoài ra, năm 2021, tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng, niềm tin vào nền kinh tế rất khá. Các sự án đầu tư ở địa phương vẫn phát triển. Khi các địa phương có dự án đầu tư, sẽ thực hiện đấu giá và thu tiền sử dụng đất. Nếu nhìn khía cạnh như vậy là tích cực. “Vấn đề chúng ta thu được tiền như thế, chúng ta phải quản lý đầu tư phát triển hiệu quả nhất để thúc đẩy kinh tế ở địa phương và cả nước” - Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho hay./

Đã rất công khai, minh bạch trong quản lý thu ngân sách

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng cho rằng, vấn đề lạm thu rất khó xảy ra bởi phải có căn cứ pháp luật để thu, “không phải muốn thu thế nào thì thu”. Thu NSNN tăng là do kinh tế phục hồi và có tăng thu từ đất.

“Thực tế, Bộ Tài chính đã áp dụng hoá đơn điện tử, rồi số hoá nhiều hoạt động, rất minh bạch, nếu chúng ta thu đúng, thu đủ thì NSNN sẽ tăng. Việc công khai, minh bạch trong quản lý thu hiện nay là rất lành mạnh và đáng ghi nhận” - TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam