Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Gỡ vướng để phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học

11:30 | 31/05/2022 Print
(TBTCO) - Sáng 31/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận làm rõ một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Có ý kiến cho rằng, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng, là một bước tiến lớn để các cơ sở nghiên cứu, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học.
Đề xuất giảm phí, lệ phí lĩnh vực nông nghiệp, sở hữu công nghiệp Tài sản trí tuệ, nguồn lực cho sự phát triển bền vững Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là nền tảng cốt lõi để doanh nghiệp phát triển Quản lý quyền sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp

Gỡ những vướng mắc phát sinh về sở hữu trí tuệ

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu đều đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra luật đã chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc lắng nghe, cầu thị, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội cũng như của cử tri và nhân dân.

Đây là dự thảo luật khó, nhưng đã được sửa đổi, bổ sung, phần lớn giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh về vấn đề sở hữu trí tuệ, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Gỡ vướng để phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học
ĐBQH Nguyễn Thị Lan: Dự thảo luật gỡ vướng để phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học.

Theo ĐB Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội), dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa đã đáp ứng được cơ bản mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung cũng đã được điều chỉnh đảm bảo tính đồng bộ với một số điều của Luật Giá; Luật Hải quan; Luật Khoa học, công nghệ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đặc biệt, theo nữ ĐB, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng như giao quyền cho tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ, giống cây trồng được tạo ra có sử dụng một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nhà nước một cách tự động mà không bồi hoàn. ĐB Nguyễn Thị Lan nhận định, đây là một bước tiến lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc để các cơ sở nghiên cứu, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học.

Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại theo hướng: Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam, nhằm bảo đảm các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách nhà nước trước tiên phải được khai thác để phục vụ lợi ích của đất nước, thực hiện các mục tiêu, chính sách của quốc gia, đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận, sử dụng, hưởng lợi của người dân từ kết quả nghiên cứu này.

Một số ĐB phát biểu cũng đồng tình với nhận định này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tăng mức trần thù lao cho tác giả sáng chế kiểu dáng công nghiệp

Để góp phần hoàn thiện hơn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có ý kiến đề nghị Quốc hội rà soát, nghiên cứu để xây dựng được một hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành rõ ràng, không chồng chéo nhằm phòng, chống một cách hiệu quả, triệt để hơn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) quan tâm đến ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ. ĐB đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này các quy định liên quan đến nội dung chuyển đổi số.

Mặc dù dự thảo Luật đã ghi nhận và bảo hộ nhiều loại tài sản trí tuệ như quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm phần mềm, hệ thống thông tin hay sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, nhưng qua nghiên cứu dự thảo Luật, một số vấn đề chưa được làm rõ, gây nhiều khó khăn khi thực tiễn triển khai. Cụ thể như về khái niệm “bí mật kinh doanh” trong Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn chung chung và theo ĐB là “có nhiều điều khó hiểu”.

“Việc quy định tương đối chung chung, chưa rõ ràng về bí mật kinh doanh khiến việc áp dụng quy định này trong thực tế rất khó khăn đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ chưa xác định khái niệm “tài sản trí tuệ” nên hiện có sự lúng túng trong việc xác định hợp đồng có đối tượng là tài sản trí tuệ. Nếu như trong các lĩnh vực kinh tế khác, giá trị tài sản lớn nhất đối với doanh nghiệp là nhà máy, thiết bị, công trình thì trong kinh tế số, tài khoản tài sản có giá trị nhất lại là phần mềm dữ liệu, hệ thống thông tin. Đây đều là các đối tượng tài sản được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ” - ĐB Thạch Phước Bình phân tích.

Có ĐB đề nghị tăng mức trần thù lao cho tác giả sáng chế kiểu dáng công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí. Đại biểu cho rằng mức trần này chưa phù hợp và kiến nghị tăng mức trần lên 20% lợi nhuận, do sử dụng và 25% tổng số tiền nhận được do chuyển giao quyền sử dụng, để tăng thu hút đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ và sáng tạo mới (mức hiện nay tương đương là 15 và 20%).

ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Ý kiến này nhận được nhiều sự đồng tình của các ĐBQH phát biểu sau đó.

Dự kiến, dự thảo Luật sẽ được Quốc hội biểu quyết, thông qua vào cuối kỳ họp này./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam