Các ngân hàng lo cạn “room”

13:44 | 02/06/2022 Print
(TBTCO) - Nhiều ngân hàng thương mại đang đối diện với khả năng hết hạn mức tín dụng được cấp trong năm (“room”). Theo đó, rất nhiều ngân hàng đang kiến nghị nới “room”. Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát tiềm ẩn vẫn đang là bài toán khó của Ngân hàng Nhà nước trong việc cân đối dòng tiền từ ngân hàng bơm ra nền kinh tế.

Nhiều ngân hàng lo hết “room”

Gần đây, các ngân hàng thương mại đang dần phải thắt lại các yêu cầu cho vay khách hàng mới do hạn mức tín dụng cấp trong năm có thể hết sớm do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang tăng cao bởi hoạt động kinh tế đang tăng tốc sau dịch.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến 20/5/2022, tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021. Theo đó, qua chưa hết 5 tháng đầu năm 2022, các ngân hàng đã sử dụng vượt quá phân nửa chỉ tiêu tín dụng của cả năm 2022 bởi trước đó vào đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng tín dụng tăng khoảng 14%.

Trong khi đó, thời gian gần đây các kênh huy động vốn khác như phát hành cổ phiếu, trái phiếu… cũng không còn thuận lợi như thời kỳ năm 2020 - 2021, nên doanh nghiệp cũng phải tìm đến ngân hàng nhiều hơn. Điều này càng khiến cho các ngân hàng đang cảm nhận ngày càng rõ hơn thực trạng ngày càng khó đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân

Trước bối cảnh có khả năng sẽ bị sớm kịch “room”, nhiều ngân hàng thương mại đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép nới “room” tín dụng để thoát bớt khỏi thế bị gò bó trong việc cân lên đặt xuống một cách khó khăn trước các hồ sơ vay của khách hàng.

Ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thời gian qua sau khi tiếp nhận thông tin về thực thi gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, BIDV đã xây dựng chương trình phần mềm cần thiết phục vụ công tác tác nghiệp cho các quy trình nội bộ. Theo đánh giá của ông Phương, gói hỗ trợ lãi suất là chủ trương lớn, nên cũng được người dân hồ hởi tiếp nhận, tuy vậy dự kiến số lượng khách hàng đăng ký sẽ lớn.

“Do đó, để có đủ vốn đáp ứng nhu cầu vay của các khách hàng đủ điều kiện, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nới “room” cho các tổ chức tín dụng lớn để các ngân hàng triển khai các chính sách được thông suốt, hiệu quả” - ông Phương nói.

Rủi ro lạm phát vẫn đeo đẳng

Những bức bối của nhiều ngân hàng về vấn đề “room” không chỉ liên quan đến việc thực hiện đáp ứng nhu cầu cho các khách hàng thuộc đối tượng trong các chính sách hỗ trợ. Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết, trong 2 năm dịch vừa qua, Vietcombank cũng đã chủ động cắt giảm lãi suất và năm 2022 sẽ vẫn tiếp tục thực thi chủ trương này để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đánh giá về nhu cầu vay hiện tại, ông Cường cho biết, kinh tế sau dịch như cơ thể vừa qua cơn khát và nhu cầu tín dụng cũng tăng cao, nên nếu các ngân hàng được nới “room” thì có thể cũng giải tỏa nhu cầu tín dụng hiện tại tốt hơn.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng, hay còn gọi là “room”

Đây là một công cụ được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các ngân hàng thương mại dựa trên cơ sở dự báo tốc độ tăng trưởng toàn ngành Ngân hàng, phù hợp với nhu cầu vốn và tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, năng lực tài chính và chất lượng tín dụng của từng ngân hàng cụ thể. “Room” hiện cũng được các ngân hàng coi như một trong những thước đo về điểm uy tín, bởi thường những ngân hàng được cấp “room” cao hàm nghĩa đó là một ngân hàng được đánh giá tốt, có độ an toàn cao và ngược lại.

Nhu cầu từ phía các ngân hàng và từ nền kinh tế là vậy, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa hé lộ quan điểm rõ ràng việc việc có cho nới “room”, hoặc nới ở mức độ nào. Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý hiểu rõ việc các ngân hàng thương mại cần tăng hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, thời điểm tăng, mức tăng bao nhiêu cần phải tính toán rất thận trọng, phù hợp với các cân đối vĩ mô.

Trong khi đó, hiện tại nguy cơ lạm phát vẫn đang là một mối lo tiềm ẩn trong việc điều hành chính sách tiền tệ và đây có thể đang là bài toán khó cho cơ quan quản lý ngành ngân hàng trong việc cân đối giữa một bên là rủi ro lạm phát, một bên là nhu cầu đẩy mạnh tín dụng của các ngân hàng thương mại. Thông tin liên quan đến giá xăng tiếp tục cho thấy những sức ép đang còn gia tăng lên giá cả các mặt hàng, khi giá xăng dầu có thể sẽ vẫn tăng do ảnh hưởng của giá thế giới.

Trước những nguy cơ lạm phát tiềm ẩn, trong khi lãi suất đầu ra của các ngân hàng đang phải giữ ở mức hợp lý, để đảm bảo việc hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và nền kinh tế, thì một trong những công cụ hữu hiệu mà Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng trong thời điểm này vẫn là “room”. Ngay cả một số chuyên gia độc lập cũng vẫn cho rằng, “room” tuy là một công cụ hành chính, nhưng vẫn còn cần thiết trong việc điều hành thị trường tiền tệ trong giai đoạn hiện nay.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam