Không thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khi chỉ hô hào

22:03 | 02/06/2022 Print
(TBTCO) - Đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, không xác định được con số lãng phí để ý thức được sự cần thiết, để có được sự quyết tâm chống lãng phí, công tác chống lãng phí vì thế sẽ khó hiệu quả. Không thể thực hiện tốt được công tác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí khi chỉ hô hào.
Bộ Tài chính thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực quản lý Tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước hơn 72.000 tỷ đồng Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Giao nhiệm vụ cụ thể để tạo cơ chế giám sát trong thực thi

Chiều 2/6, khi thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2021, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến xung quanh tình trạng lãng phí do quy hoạch treo, đất đai để hoang hóa, về việc THTK, CLP sao cho thực chất, hiệu quả…

Nói rồi nói mãi, quy hoạch treo vẫn “trơ mình cùng tuế nguyệt”

Đề cập đến tình trạng quy hoạch treo, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng dù đây là nội dung "biết rồi nói mãi" nhưng “không nói không được” vì sự lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo. Nhiều năm qua, các quy hoạch treo vẫn "trơ mình cùng tuế nguyệt", trong khi đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng, "tấc đất, tấc vàng". Trong khi hàng ngàn hecta đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai được quy hoạch thì có hàng ngàn, hàng chục ngàn hộ gia đình không có đất để ở, phải ở tạm gầm cầu, ven sông, nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro ngày đêm rình rập.

Theo đại biểu, điều này rất cần các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, có giải pháp khắc phục hữu hiệu, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài dự án.

Cùng với quy hoạch treo, đại biểu cũng nêu tình trạng việc lập, triển khai kế hoạch đầu tư công còn nhiều bất cập, hạn chế. “Có gì khuất tất trong việc nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện nhưng vẫn được phân bổ vốn?”, trong khi nhiều dự án dở dang, bức xúc thì không được bố trí, dẫn đến không khai thác, phát huy được tác dụng, đại biểu đặt vấn đề.

Dẫn dự án đường Hồ Chí Minh là một minh chứng, đại biểu cho biết mặc dù đã có chủ trương đầu tư từ năm 2000 đến nay đã trên 22 năm, nhưng đoạn đường này lại tiếp tục được Quốc hội thảo luận để có tiếp tục đầu tư các đoạn còn lại hay không.

Nguyễn Quốc Hận
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau)

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng quan tâm đến việc lãng phí trong công tác quản lý đất đai. Theo đại biểu, chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản; xác định giá trị chuyển quyền sử dụng đất, về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch về đất đai; tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai; không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, thời gian quy định nhưng không được xử lý kịp thời, chưa tạo ra động lực để đưa đất nông nghiệp vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

“Cần làm rõ khái niệm sát giá thị trường và giá thị trường khi quản lý về giao dịch quyền sử dụng đất nhằm chống thất thu và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước”- đại biểu nói.

Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, đại biểu đề nghị cần có các chính sách để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài, cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo ở các địa phương, đặc biệt là các quỹ đất có liên quan đến an ninh, quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm, trên 20 năm tới 30 năm không đưa vào sử dụng thì nên cương quyết thu hồi để giao cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Chưa từng xử lý tội lãng phí

Góp ý vào báo cáo của Chính phủ về công tác THTK, CLP, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao. Song đại biểu cho rằng báo cáo còn tập trung nhiều vào tiết kiệm nhưng phản ánh chưa hết bản chất của tiết kiệm. Số tiền tiết kiệm từ đấu thầu, đấu giá chưa thể yên tâm và coi là tiết kiệm khi đi liền với đó là chất lượng thực hiện hiệu quả thấp, thời gian kéo dài, chi phí tăng lên. Điều quan trọng là sử dụng nguồn tiết kiệm như thế nào, hiệu quả ra sao thì chưa được đánh giá. Báo cáo cũng chưa đi sâu phân tích lãng phí, chưa làm rõ hiệu quả sử dụng vốn, nguồn lực nhà nước đầu tư trong thời gian qua.

Theo đại biểu, thời gian qua tình trạng lãng phí với biểu hiện muôn mặt, trong thời gian dài, nhiều nơi và được nói đến rất nhiều nhưng chuyển biến thì chậm, dường như còn biểu hiện phức tạp, tăng về tính chất và quy mô. Tình trạng lãng phí đất đai, dự án treo, hiệu quả đầu tư thấp, thu hồi tài sản tham nhũng chậm, cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu...; nhất là tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022 ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... tất cả đều là lãng phí làm thất thoát nguồn lực quốc gia, là nguyên nhân làm suy yếu nguồn lực, kìm hãm sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

“Chúng ta đã rất quyết liệt, nghiêm trị tội tham ô, tội tham nhũng nhưng chưa từng xử lý tội lãng phí, trong khi lãng phí nguy hại hơn, như một căn bệnh, thậm chí nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng”- đại biểu nói.

Ngô Trung Thành
Đại biểu Ngô Trung Thành

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng cần xác định rõ tiết kiệm được bao nhiêu, chống lãng phí được gì, còn lại thì lãng phí gì, lãng phí bao nhiêu? Không xác định được con số lãng phí để ý thức được sự cần thiết, để có được sự quyết tâm chống lãng phí, công tác chống lãng phí vì thế sẽ khó hiệu quả.

Theo đại biểu, có không ít việc ở địa phương hoặc cơ quan, tổ chức có vướng mắc phải hỏi cơ quan quản lý nhà nước nhưng trong nhiều trường hợp, các cơ quan này trả lời theo cách trích nội dung của văn bản, sau đó đề nghị thực hiện theo quy định. Cách trả lời này không sai nhưng không giúp xử lý, khắc phục được vướng mắc dẫn đến chậm triển khai, không triển khai thực hiện được công việc, gián tiếp dẫn đến lãng phí.

Một trong những vấn đề đại biểu đề xuất thời gian tới là cần mở ra cơ chế để các cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tìm ra cách làm mới, cách làm hay, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, đề ra giải pháp hiệu quả để giáo dục, rèn luyện và xây dựng ý thức tiết kiệm, chống lãng phí cho mọi người cán bộ, công chức, bởi “chúng ta không thể thực hiện tốt được công tác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí khi chỉ hô hào như vậy”./.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam