Bạc Liêu: Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương

16:05 | 30/05/2022 Print
(TBTCO) - Tính đến thời điểm hiện nay, Bạc Liêu đã có 2 chỉ dẫn địa lý và 5 nhãn hiệu tập thể: chỉ dẫn địa lý “Bạc Liêu” cho sản phẩm muối, “Hồng Dân” cho sản phẩm gạo một bụi đỏ, nhãn hiệu tập thể “Gành Hào” cho sản phẩm tôm cua giống, "Rau cần nước Phước Long" ...

Theo Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, trong những năm vừa qua, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều hoạt động quan tâm bảo hộ, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ để xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương với sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Mới đây, vào cuối tháng 5/2022, đơn vị đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức tập huấn “Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương” của tỉnh Bạc Liêu, nhằm giúp cho cán bộ sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp... của tỉnh hiểu rõ vấn đề về xây dựng, bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và tuyên truyền về phát triển thương hiệu cho các sản phẩm sau khi đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bạc Liêu: Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương
Ông Huỳnh Hùng Dũng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu (ngoài cùng bên trái) trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho tổ chức, cá nhân. Ảnh: CTV

Tại chương trình tập huấn, bà Lê Minh Thu – Phó giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển thương hiệu của Bạc Liêu và giới thiệu về tổng quan, vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương. Lợi ích của việc đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, đặc sản địa phương có gắn địa danh/dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc dưới 3 hình thức: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.

Bà Lê Minh Thu cũng lưu ý các doanh nghiệp một số giải pháp để quản lý và phát triển các tài sản trí tuệ cho các đặc sản địa phương trong đó đặc biệt là việc quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và tiến hành phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh cung cấp các kiến thức và kỹ năng về “Quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm địa phương”. Ông Trần Giang Khuê nhận định hướng phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương gắn với thương hiệu cộng đồng là một hướng đi phù hợp và là công cụ hữu hiệu trong phát triển bền vững, đưa nông sản của tỉnh Bạc Liêu tiến xa hơn ở thị trường trong và ngoài nước.

Ông Trần Giang Khuê cho rằng, Bạc Liêu cần xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm địa phương gắn với lợi thế của doanh nghiệp, thế mạnh của địa phương và chủ trương chính sách của nhà nước; cần nâng cao vai trò của hiệp hội/doanh nghiệp đối với xây dựng thương hiệu cho sản vật địa phương.

Để sản phẩm vươn xa, Bạc Liêu cũng cần coi trọng quảng bá thương hiệu cho các đặc sản địa phương sau khi đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, với nhiều hình thức khác nhau: lô gô, slogan, câu chuyện truyền thông, biển hiệu, áp phích, tờ rơi, các hội chợ triển lãm, các kênh tiêu thụ mới, kết hợp du lịch sinh thái… bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp; liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối, tiêu thụ chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cũng phải tính đến cả xuất khẩu để đặc sản thực sự phát huy thế mạnh và tạo nên thương hiệu mạnh của doanh nghiệp, của địa phương, vùng miền và quốc gia.../.

Nguyễn Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam