Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Nói nhiều, chuyển biến còn ít

06:05 | 06/06/2022 Print
(TBTCO) - Thảo luận tại hội trường chiều 2/6 về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá thời gian qua, tình trạng lãng phí với biểu hiện muôn mặt, kéo dài ở nhiều nơi và được nói đến rất nhiều nhưng chuyển biến thì chậm, còn biểu hiện phức tạp.

Lãng phí làm suy yếu, kìm hãm sự phát triển của đất nước

Theo các đại biểu, với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành công tác tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2021 đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng công tác THTK, CLP còn nhiều tồn tại, hạn chế xảy ra ở hầu hết các cấp, các ngành, các lĩnh vực dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước như: tình trạng ách tắc, sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế; đấu thầu mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; giải ngân chậm vốn ODA, chậm tiến độ thực hiện và khả năng hoàn thành kế hoạch một số dự án trọng điểm. Việc triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ, gây lãng phí nguồn lực.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh), thời gian qua tình trạng lãng phí với biểu hiện muôn mặt kéo dài, nhiều nơi và được nói đến rất nhiều nhưng chuyển biến thì chậm, còn biểu hiện phức tạp, tăng về tính chất và quy mô. Tình trạng lãng phí đất đai, dự án treo, hiệu quả đầu tư thấp, thu hồi tài sản tham nhũng chậm, cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu...; nhất là tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022 ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... Tất cả đều là lãng phí làm thất thoát nguồn lực quốc gia, là nguyên nhân làm suy yếu nguồn lực, kìm hãm sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Sớm hoàn thành các công trình trọng điểm quốc gia sẽ hạn chế việc lãng phí nguồn lực Nhà nước.
Sớm hoàn thành các công trình trọng điểm quốc gia sẽ hạn chế việc lãng phí nguồn lực Nhà nước.

“Chúng ta đã rất quyết liệt, nghiêm trị tội tham nhũng nhưng chưa từng xử lý tội lãng phí, trong khi lãng phí nguy hại hơn, như một căn bệnh, thậm chí nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng” - đại biểu nói.

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng cần xác định rõ tiết kiệm được bao nhiêu, chống lãng phí được gì, còn lại thì lãng phí gì, lãng phí bao nhiêu? Không xác định được con số lãng phí để ý thức được sự cần thiết, để có được sự quyết tâm chống lãng phí, công tác chống lãng phí thì sẽ khó hiệu quả. Theo đại biểu, “chúng ta không thể thực hiện tốt được công tác THTK, CLP khi chỉ hô hào”.

Đề cập đến tình trạng quy hoạch treo, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, dù đây là nội dung "biết rồi nói mãi" nhưng “không nói không được” vì sự lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo. Nhiều năm qua, các quy hoạch treo vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt", trong khi đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng, "tấc đất, tấc vàng". Trong khi hàng ngàn hecta đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai được quy hoạch thì có hàng ngàn, hàng chục ngàn hộ gia đình không có đất để ở, phải ở tạm gầm cầu, ven sông, nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro ngày đêm rình rập.

Cùng với quy hoạch treo, đại biểu cũng nêu tình trạng việc lập, triển khai kế hoạch đầu tư công còn nhiều bất cập, hạn chế. “Có gì khuất tất trong việc nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện nhưng vẫn được phân bổ vốn?”, trong khi nhiều dự án dở dang, bức xúc thì không được bố trí, dẫn đến không khai thác, phát huy được tác dụng, đại biểu đặt vấn đề.

Sẽ sửa đổi định mức về sử dụng xe công

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành trong thời gian qua đã ban hành nhiều quy định khá cụ thể về định mức để làm cơ sở chi tiêu quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, những tiêu chuẩn, định mức khi không còn phù hợp, xa rời thực tế, sẽ cản trở, gây khó khăn cho việc triển khai nhiệm vụ, gây lãng phí, thất thoát, bất cập.

Phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch hoàn thiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế đại biểu nêu trong công tác THTK, CLP năm 2021.

Phát biểu tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh một số kết quả đạt được về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực điều hành ngân sách như năm 2021 đã tiết kiệm 10% chi thường xuyên và 50% chi phí tiếp khách, hội họp, công tác nước ngoài, với số tiền hơn 14.000 tỷ đồng. Số tiền này đã được đưa vào để mua vắc-xin và chi chống dịch.

Đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong bộ máy hành chính nhà nước, kết quả vừa qua cũng rất tích cực. Thực hiện Nghị quyết 39 của Trung ương, cả nước đã giảm biên chế được 10%, giảm bộ máy đơn vị hành chính sự nghiệp được 11,07%. “Chúng tôi sẽ tập trung để tham mưu Chính phủ và tăng cường thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt việc quản lý thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách tốt nhất” - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật, như Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật PPP và Luật Đất đai. Thực tế hiện nay đang vướng mắc rất nhiều trong việc thực hiện các luật trên. Đơn cử như Luật NSNN, quy định không dùng ngân sách cấp này để chi cho ngân sách cấp khác, nên khi triển khai các công trình đường cao tốc hay các công trình liên vùng mà ngân sách của các tỉnh có điều kiện muốn bỏ ra để giải phóng mặt bằng thì vướng mắc quy định này, phải xin ý kiến của Quốc hội.

Hay về vấn đề quy hoạch treo, Bộ trưởng cho rằng để hạn chế ảnh hưởng đến người dân, có thể nghiên cứu giải pháp cho phép chính quyền địa phương để hộ dân nào muốn đi trước thì bố trí tái định cư, đền bù trước để đi trước, sau này việc giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi hơn.

Về vấn đề định mức kinh tế kỹ thuật, liên quan đến sử dụng xe ô tô công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay hiện Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng để sửa đổi Nghị định 04 về định mức ô tô. Theo đó, định mức ô tô sẽ căn cứ vào đơn vị hành chính, vào diện tích, địa hình. “Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các địa phương và các bộ, ngành để sửa lại Nghị định 04 một cách hợp lý” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Việc thực hiện giao tự chủ tài chính tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, cơ chế tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục quán triệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức sắp xếp, giảm đầu mối, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN); tăng số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở mức cao hơn, giảm chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần.

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/CP ngày 11/6/2019 của Chính phủ, trong đó giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ theo hướng quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chung cho tất cả các lĩnh vực. Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Kết quả việc thực hiện giao tự chủ tài chính theo chế độ quy định, các bộ ngành, địa phương đã tiết kiệm kinh phí NSNN do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho cơ quan, tổ chức là 1,51 nghìn tỷ đồng, điển hình như: Bắc Giang 332 tỷ đồng, Lâm Đồng 162 tỷ đồng, Đà Nẵng 128 tỷ đồng, Quảng Ninh 119 tỷ đồng, Kiên Giang 64,7 tỷ đồng, Hải Dương 54,7 tỷ đồng, Tiền Giang 52,6 tỷ đồng…

Tô Ngọc

© Thời báo Tài chính Việt Nam