Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Các ngân hàng khẩn trương vào cuộc hỗ trợ khách hàng

06:15 | 06/06/2022 Print
(TBTCO) - Việc triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất được hầu hết các ngân hàng khẩn trương vào cuộc. Tuy nhiên, cũng vẫn còn đâu đó một chút tâm lý băn khoăn về những vướng mắc thực tế có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.

Ngân hàng nhanh chóng nhập cuộc

Theo chia sẻ của các ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng lớn, giới ngân hàng đang tỏ ra khá khẩn trương trong việc triển khai gói hỗ trợ 2%, với mục tiêu đưa dòng vốn đến với người dân một cách sớm nhất. Sự vào cuộc của các ngân hàng nhằm thực thi chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng, theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo NHNN Việt Nam, đây là chính sách hỗ trợ lãi suất sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, ngay từ trong quá trình dự thảo, NHNN đã tích cực, chủ động phối hợp, bàn bạc với các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại thông qua rất nhiều cuộc họp cũng như lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện nghị định và thông tư hướng dẫn. Yêu cầu trong việc thực thi chính sách đặt ra trên nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất.

Nguồn: Nghị định 31/2022/NĐ-CP Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Nghị định 31/2022/NĐ-CP Đồ họa: Hồng Vân

Tiếp nhận các nội dung này, nhiều ngân hàng đã tỏ ra khá tích cực và khẩn trương trong công tác triển khai để thực thi chính sách sao cho có hiệu quả nhất. Ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết, Agribank đã huy động 15 nghìn lượt cán bộ trực tiếp tham gia, triển khai chương trình. Cụ thể, Agribank đã tiến hành rà soát lại các khách hàng đã giải ngân và dự kiến giải ngân. Kết quả ra soát sơ bộ cho thấy từ đầu năm 2022, Agribank đã giải ngân khoảng 700 nghìn tỷ đồng và gần 100 nghìn tỷ đồng thuộc 11 nhóm đối tượng đủ điều kiện, theo quy định tại Nghị định 31.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết, ngân hàng này đã xây dựng và hoàn hoàn thiện dự thảo cơ bản về chương trình nội bộ về triển khai gói hỗ trợ lãi suất, đồng thời tổ chức truyền thông nội bộ về việc này.

Vẫn còn chút lo lắng

Bên cạnh bầu không khí khẩn trương của các ngân hàng để sớm nhập cuộc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, bản thân các ngân hàng vẫn có một vài điều còn e ngại những vấn đề vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình triển khai thực tế.

Đối tượng được hỗ trợ lãi suất được quy định trong Nghị định 31 cũng đã được quy định rõ. Đó là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc các nhóm ngành được đề cập cụ thể. Ngoài ra, điều kiện được hỗ trợ lãi suất thì ngoài các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng thì khoản vay phải được sử dụng vốn đúng mục đích và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

Khó khăn trong vấn đề xác định khách hàng

Bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, khi tiếp nhận thông tin về chương trình, MB xác định đây là chương trình lớn và đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ lưỡng trên cơ sở các đối tượng được thụ hưởng, các quy trình mẫu biểu, các giải pháp công nghệ… Mục đích để xác định cụ thể rõ ràng từng nhóm khách hàng, qua đó có thể tách dữ liệu nhằm kiểm tra đối chiếu các thông tin khách hàng một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, MB vẫn đang gặp khó khăn trong vấn đề xác định khách hàng đã từng được hỗ trợ từ chương trình khác hay chưa.

Tuy nhiên, để xác định rõ yêu cầu về việc khách hàng chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách theo các chính sách khác, cũng có ngân hàng lo ngại việc “điều tra” sẽ vượt quá khả năng của ngân hàng nên tạm thời đưa ra đề nghị trước mắt dựa vào cam kết của khách hàng.

Bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, khi tiếp nhận thông tin về chương trình, MB xác định đây là chương trình lớn và đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ lưỡng trên cơ sở các đối tượng được thụ hưởng, các quy trình mẫu biểu, các giải pháp công nghệ… Mục đích để xác định cụ thể rõ ràng từng nhóm khách hàng, qua đó có thể tách dữ liệu nhằm kiểm tra đối chiếu các thông tin khách hàng một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, MB vẫn đang gặp khó khăn trong vấn đề xác định khách hàng đã từng được hỗ trợ từ chương trình khác hay chưa.

Ngoài ra, cũng có ngân hàng đặt vấn đề cần có kênh giải quyết các vướng mắc phát sinh một cách nhanh chóng nhất cho các ngân hàng, chẳng hạn mở kênh trao đổi trực tuyến trả lời vướng mắc giữa NHNN và các ngân hàng thương mại riêng cho chương trình này. Đây cũng là một trong những kiến nghị được một số ngân hàng đặt ra vì với kênh trao đổi bằng đường công văn truyền thống trước đây thì tốc độ giải quyết sự việc rất chậm trễ.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam