Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội:

Sử dụng chính sách tài chính linh hoạt, tránh lãng phí

07:00 | 06/06/2022 Print
(TBTCO) - Theo các chuyên gia kinh tế, các chính sách tài chính ứng phó với dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh đã được ban hành và triển khai trong thời gian qua là phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả thì việc áp dụng cần linh hoạt, phù hợp và tránh lãng phí.

Theo các chuyên gia kinh tế, các chính sách tài chính ứng phó với dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh đã được ban hành và triển khai trong thời gian qua là phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả thì việc áp dụng cần linh hoạt, phù hợp và tránh lãng phí.

Chính sách tài khóa ngày càng được mở rộng

Chính sách tài chính là một trong những chính sách vĩ mô cơ bản và quan trọng của Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sử dụng công cụ chính sách tài chính có ý nghĩa thực tiễn và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách tài chính nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, Quốc hội, Chính phủ đã nghiên cứu sử dụng chính sách thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, như: giãn, lùi thời hạn nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng, giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu bay, giảm một số phí, lệ phí...

Nguồn: TTXVN
Nguồn: TTXVN

Giai đoạn 2, đứng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, tại Kỳ họp bất thường (tháng 1/2022), Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn chung, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2 có quy mô rộng lớn, tác động lan tỏa cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền các cấp. Thời gian thực hiện chính sách chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023, với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19.

Huy động nguồn lực linh hoạt, hợp lý

Theo TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội, các chính sách tài chính ứng phó với dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh đã được ban hành và triển khai trong thời gian qua là phù hợp với điều kiện thực thế của đất nước, đơn giản hóa quy trình, thủ tục. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng quá lớn của dịch bệnh, đã tạo áp lực lớn trong việc cân đối, bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) để thực hiện các chính sách xã hội và chính sách đầu tư.

“Việc sử dụng công cụ chính sách tài chính (gồm: chính sách thuế, thu ngân sách, chi ngân sách, hỗ trợ lãi suất và các chính sách tài khóa khác) có ý nghĩa thực tiễn và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”. - TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội

Dưới góc độ là nhà khoa học, TS. Nguyễn Minh Tân kiến nghị một số giải pháp cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện trong thời gian tới, như: sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách năm 2021. Mức hỗ trợ dựa trên tiến độ thu, chi NSNN đến hết năm 2021 (dự kiến kết quả thu NSNN đến hết năm 2021 vượt 16,8% so với dự toán, trong đó thu ngân sách trung ương vượt 6,7% dự toán) và dựa trên cơ sở phân bổ sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách, theo quy định tại Điều 59 của Luật NSNN năm 2015.

Tăng thêm hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo... là các đối tượng yếu thế, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng đồng thời cũng được hưởng các chính sách xã hội khác, do vậy, cần lồng ghép nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng này.

TS. Nguyễn Minh Tân đề xuất, cần có cơ chế huy động nguồn lực linh hoạt và hợp lý, tránh lãng phí; điều hành việc tạo lập các nguồn lực một cách hiệu quả dựa trên cơ sở tăng thu, giảm chi, giảm đi vay, kiểm soát lạm phát; bổ sung các giải pháp tăng thu NSNN, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, nhất là lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số, bảo đảm thu NSNN bền vững hơn; quản lý chặt chẽ các nguồn thu... tận dụng các dư địa để tăng thu NSNN trên cơ sở cơ cấu lại thu NSNN.

Giãn, giảm thuế cần đảm bảo cân đối ngân sách

Theo TS. Nguyễn Minh Tân, thu ngân sách bị tác động ảnh hưởng bởi hàng chục ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc bị giải thể, phá sản, ảnh hưởng trực tiếp đến dự toán thu ngân sách đã được Quốc hội.

Bên cạnh đó, chính sách miễn, giảm, giãn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cũng có tác động hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi năng lực sản xuất, nhưng mặt khác, cũng tác động không nhỏ đến việc giảm số thu NSNN; hàng năm, khi chưa thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế thì các chính sách miễn, giảm, giãn tiền thuế để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng làm giảm thu NSNN từ 0,5 - 1% GDP, tác động đến cân đối NSNN và bảo đảm các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt.

TS. Nguyễn Minh Tân cho rằng, chính sách thu ngân sách và việc miễn giảm thuế được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với tình hình thực tế. Đơn cử như, chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức thuế suất 10% (còn 8%), nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và bảo đảm trong điều kiện hỗ trợ của NSNN (trường hợp giảm cả cho nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 5% thì số giảm thu sẽ lên đến trên 60 nghìn tỷ đồng, gây áp lực rất lớn đến cân đối NSNN).

Do vậy, các cơ quan chức năng đã đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng áp dụng mức giảm thuế trên cơ sở rà soát lại hàng hóa, dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên hoặc vật tư phòng, chống dịch; ưu tiên giảm thuế đối với mặt hàng sản phẩm may mặc, nông sản; nghiên cứu hoàn thuế GTGT cho người tiêu dùng; loại trừ áp dụng giảm thuế GTGT đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, chứng khoán, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (đồ uống có cồn...).

Quốc hội, Chính phủ đã cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền và hiện vật của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Theo TS. Nguyễn Minh Tân, chính sách này đã được thực hiện trong năm 2021, qua đó đã khuyến khích huy động được nguồn lực xã hội lớn, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh và chia sẻ gánh nặng cho NSNN. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp thì cần tiếp tục thực hiện chính sách này trong năm 2022.

Khánh Huyền

© Thời báo Tài chính Việt Nam