Chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế: Chủ động, tích cực, hiệu quả

09:50 | 07/06/2022 Print
(TBTCO) - Bộ Tài chính đã hoàn thành cơ bản việc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thu ngân sách; các chính sách tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội; đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn lắng nghe để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển Chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển Chính sách tài khóa hỗ trợ đang phát huy hiệu quả vào cuộc sống Chính sách tài chính hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Chính sách tài khóa được thực hiện khẩn trương và đi vào cuộc sống

Miễn, giảm khoảng 22,6/64 nghìn tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Về chính sách thu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số nghị định: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15; Nghị định số 32/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022…

Chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế: Chủ động, tích cực, hiệu quả
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm tại hội trường sáng 2/6.

Kết quả triển khai thực hiện, qua đánh giá sơ bộ 5 tháng đầu năm 2022 đã miễn, giảm khoảng 22,6 nghìn tỷ đồng trên tổng số 64 nghìn tỷ đồng dự kiến khi xây dựng Chương trình (tương đương trên 35%).

Cụ thể: đã thực hiện giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, ước thực hiện khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng.

Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2001/NĐ-CP của Chính phủ, ước thực hiện khoảng 6 nghìn tỷ đồng.

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ước thực hiện khoảng 6,5 nghìn tỷ đồng.

Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ước thực hiện khoảng 0,6 nghìn tỷ đồng.

Giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ước thực hiện khoảng 0,4 nghìn tỷ đồng.

Ưu đãi thuế linh kiện ô tô, ưu đãi thuế vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô theo Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng.

Về các chính sách tín dụng, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số nghị định, quyết định về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, tín dụng đối với học sinh, sinh viên... Kết quả, đến ngày 31/5/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tạo nguồn cho vay là 2,7 nghìn tỷ đồng và cho vay với dư nợ vay là 4,586 nghìn tỷ đồng.

Đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình

Khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội mới được ban hành, một điều dư luận quan tâm đó chính là nguồn lực để thực hiện.

Đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 448/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.

Ngoài ra, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021, trong đó, bổ sung 2,2 nghìn tỷ đồng cho các nhiệm vụ chi đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, hoàn thiện.

Riêng đối với Đề án huy động nguồn lực cho toàn bộ Chương trình, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, dự kiến sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh các nhiệm vụ chủ trì, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách và tổ chức thực hiện. Trong đó, đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2002/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 về chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học dân lập, tư thục. Ngoài ra, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng, trình Chính phủ ban hành một số nghị định về hỗ trợ lãi suất, chính sách tín dụng ưu đãi.

Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, phương án điều hòa vốn Chương trình và vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025...

Do tác động của nhiều yếu tố khách quan như xung đột Nga- Ucraina, dịch bệnh diễn biến khó lường, trong quá trình điều hành, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tập trung phân tích, đánh giá kịp thời các tác động đến kinh tế- xã hội, tài chính- ngân sách nhà nước, chủ động trình cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp tình hình thực tế.

Có thể nói, Bộ Tài chính đã thực hiện lời hứa của mình, đã nhanh chóng “thiết kế” và triển khai để các chính sách về tài khóa thực hiện khẩn trương theo kế hoạch của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Gần nửa năm qua, nhiều doanh nghiệp, người dân đã được hưởng lợi từ việc giãn, giảm, gia hạn tiền thuế, giảm bớt được những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhanh chóng trở lại đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Đây là mục tiêu cao nhất mà Chính phủ đặt ra khi thực hiện Chương trình này./.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

Gói hỗ trợ về tài khóa giúp doanh nghiệp duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đặt ra là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói trong xã hội. Do đó, việc thực hiện nhiều gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất là thực sự cần thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu của Chính phủ.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách, tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như trong ngắn hạn, thực hiện tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản.

Về dài hạn, tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống chính sách thuế để sửa đổi, bổ sung các khoản thuế còn chưa phù hợp với thực tiễn; tăng thuế suất đối với các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng; rà soát, loại bỏ những ưu đãi thuế không còn phù hợp… Khi các gói hỗ trợ tài khoá được áp dụng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp các doanh nghiệp tích lũy vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam