Thị trường chứng khoán, trái phiếu: Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững, minh bạch

13:49 | 08/06/2022 Print
(TBTCO) - Nhận diện về những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trên thị trường, nhất là sau quá trình tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp và quyết liệt triển khai để phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

Thị trường vốn phát triển nhanh, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng

Bộ Tài chính cho biết, với khung khổ pháp lý được hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ theo chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về phát triển thị trường vốn, khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn, thị trường đã có bước phát triển nhanh, đóng góp quan trọng vào việc huy động nguồn lực của Chính phủ, các ngân hàng chính sách cho đầu tư phát triển và thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp (DN) để mở rộng sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Theo đó, chính sách phát triển thị trường đã thường xuyên được hoàn thiện từ cấp luật, nghị định, đến các thông tư và quy chế, quy trình phù hợp với sự phát triển của thị trường và tiếp cận chuẩn mực quốc tế, hiện bao gồm: 1 luật, 8 nghị định, 15 thông tư. Cùng với đó, thị trường đã hình thành và vận hành đầy đủ cấu phần bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh; đồng thời, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch và bù trừ, thanh toán đã được hiện đại hóa, rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ, nâng cao thanh khoản thị trường.

Từ đầu năm tới nay, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng theo xu hướng chung của thị trường chứng khoán quốc tế.
Từ đầu năm tới nay, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng theo xu hướng chung của thị trường chứng khoán quốc tế.

Cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính, thị trường vốn có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2021, riêng năm 2021 là 33,2%. Tính đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, qua đó đã cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng (dư nợ tín dụng là 131,8% GDP).

Thông qua thị trường vốn, các chủ thể huy động được khối lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh. Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Nhiều giải pháp quyết liệt để thị trường phát triển bền vững

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng các bộ, ngành liên quan bám sát thực tiễn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện ổn định, phát triển nhanh, bền vững thị trường chứng khoán (TTCK), trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Cùng với đó, cơ quan quản lý tiếp tục rà soát đồng bộ từ luật đến các nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

Đối với TPDN, hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầy tư (NĐT) chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của NĐT cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho NĐT không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật DN để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành TPDN, điều kiện về NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe; và thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong giám sát dòng tiền và quản lý, giám sát các hoạt động trên TTCK.

Quy mô giao dịch bình quân cổ phiếu, trái phiếu đạt trên 40 nghìn tỷ đồng/phiên

Hiện nay, trên thị trường chứng khoán có 767 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, 858 cổ phiếu đăng ký giao dịch; 83 công ty chứng khoán, 44 công ty quản lý quỹ, 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư là trên 5,2 triệu tài khoản, tăng 21,1% so với cuối năm 2021. Quy mô giao dịch bình quân trái phiếu chính phủ 5 tháng đầu năm 2022 đạt 11.915 tỷ đồng/phiên; giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 28.745 tỷ đồng/phiên, tăng 8,1% so với bình quân năm 2021.

Về tổ chức điều hành thị trường, Bộ Tài chính sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước gắn với niêm yết trên TTCK, tăng cường tính tuân thủ của các DN trên thị trường. Đồng thời, Bộ Tài chính khẩn trương thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ, nhằm tăng tính minh bạch và giám sát từ khâu phát hành đến giao dịch. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tích cực triển khai công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường, thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động các công ty chứng khoán (CTCK) để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ.

Bộ Tài chính cũng cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giám sát, vai trò của các tuyến giám sát từ các CTCK đến UBCKNN, nhất là giám sát tuyến đầu của các sở giao dịch chứng khoán đối với giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường; tổ chức thanh tra, kiểm tra các DN phát hành và CTCK cung cấp dịch vụ... Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.

Bên cạnh đó, để cải thiện chất lượng cầu đầu tư, Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển NĐT dài hạn; cũng như tăng cường đào tạo, phát triển NĐT cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường.

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam