Hà Nội: Không để khan hiếm hàng hóa trước giá xăng tăng

20:55 | 08/06/2022 Print
(TBTCO) - Để ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, ngành Công thương Hà Nội sẽ cùng các doanh nghiệp nỗ lực bình ổn giá, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa.
Hà Nội: Không để khan hiếm hàng trước giá xăng tăng
Hà Nội: Không để khan hiếm hàng hóa trước giá xăng tăng

Theo ghi nhận, tại hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, từ đầu tháng 6/2022 đến nay nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng giá từ 10 - 30% so với thời điểm cuối tháng 5.

Cụ thể, giá bắp cải trắng tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; cải xanh từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ; cà chua từ 16.000 đồng lên 20.000 đồng/kg...

Không chỉ mặt hàng trứng gia cầm, rau xanh tăng giá mà mặt hàng dầu ăn, mỳ tôm, nước mắm cũng trong tình trạng tương tự, trong đó, mặt hàng dầu ăn tăng 10 - 20% so với thời điểm đầu năm. Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá 1 chai dầu Neptune loại 1 lít chỉ 50.000 đồng/chai, nhưng hiện mặt hàng này được bán với giá 60.000 đồng/chai, dầu Cái Lân từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng/lít, dầu Mezan từ 45.000 đồng/lít lên 55.000 đồng/lít...

Trước thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nhận định, trong thời gian tới, tốc độ diễn biến thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ thay đổi đáng kể khi giá xăng, dầu phả “hơi nóng” vào giỏ hàng thực phẩm, chi tiêu của người dân.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 là rất lớn, bởi ngoài ảnh hưởng của giá xăng dầu, thì nhóm hàng thực phẩm và nguyên liệu đầu vào tăng giá cũng gây áp lực lên lạm phát.

Theo quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, ngành Công thương Hà Nội sẽ cùng các doanh nghiệp nỗ lực bình ổn giá, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa.

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng tập trung kết nối cung cầu, bảo đảm sản xuất; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, giảm nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh để giảm chi phí kho bãi, qua đó hạn chế tối đa việc tăng giá hàng hóa./.

Diệu Hoa

© Thời báo Tài chính Việt Nam