Đặt mục tiêu 2 - 3 tổ chức tín dụng vào nhóm 100 ngân hàng lớn nhất châu Á

16:03 | 09/06/2022 Print
(TBTCO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”.

Quan điểm đưa ra tại đề án này là cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu là yêu cầu khách quan, kế thừa kết quả của giai đoạn trước, khắc phục các tồn tại, hạn chế và chủ động ứng phó với những thách thức trong giai đoạn mới…

Trong đó, các tổ chức tín dụng được tạo điều kiện phát triển đa dạng về sở hữu và loại hình, trong đó các ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò chủ lực, chủ đạo, dẫn dắt thị trường, có đủ năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có đủ năng lực tài chính, quản trị tham gia hợp nhất, sáp nhập, mua lại tổ chức tín dụng quy mô nhỏ hoặc tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động.

Đặt mục tiêu 2 - 3 tổ chức tín dụng vào nhóm 100 ngân hàng lớn nhất châu Á
Đặt mục tiêu 2 – 3 ngân hàng vào nhóm 100 ngân hàng lớn nhất châu Á. Ảnh: T.L
Ngân hàng Nhà nước mạnh tay trấn áp tội phạm lĩnh vực ngân hàng Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng vào cuối năm

Mục tiêu cụ thể của đề án là triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025; phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.

Đề án cũng đưa ra một số yêu cầu về chỉ tiêu vốn, theo đó nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn thì vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ, trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài thì vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Các công ty tài chính cũng phải đạt vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng; công ty cho thuê tài chính phải đạt vốn điều lệ tối thiểu 450 tỷ đồng.

Các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt: phương án tăng vốn thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Đề án cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn mạnh nhất (theo tiêu chí sức mạnh) trong khu vực châu Á; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam và phấn đấu có 1 - 2 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế.

Một số mục tiêu quan trọng khác: phát triển các mô hình ngân hàng số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 16 - 17% vào cuối năm 2025…

Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém)./.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam