Chính phủ sẽ triển khai Chương trình phục hồi nhanh, hiệu quả hơn

17:43 | 09/06/2022 Print
(TBTCO) - Chiều 9/6, trước khi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có báo cáo giải trình và trả lời chất vấn. Theo Phó Thủ tướng, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn, triển khai Chương trình nhanh hơn và hiệu quả, thực chất hơn.
Chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế: Chủ động, tích cực, hiệu quả
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Cấp hạn mức tín dụng là biện pháp điều hành hiệu quả Đại biểu Quốc hội: Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chưa phát hiện lợi ích nhóm trong triển khai thu phí không dừng Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Được mùa mất giá” như lời nguyền trong nông nghiệp

Đã miễn, giảm thuế phí đạt 22,6 nghìn tỷ đồng

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Chính phủ đã thông báo tổng mức vốn 149.201 tỷ đồng (chưa bao gồm: 14 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực y tế; 11.834 tỷ đồng dự kiến cho 4 dự án đường cao tốc, quốc lộ; 965 tỷ đồng các bộ, cơ quan đề xuất không bố trí vốn từ chương trình chưa đủ điều kiện thông báo vốn); danh mục và mức vốn dự kiến cho 113 nhiệm vụ, dự án cụ thể... Cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình đã cơ bản hoàn thành.

Chính phủ sẽ triển khai Chương trình phục hồi nhanh, hiệu quả hơn
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Chính phủ sẽ triển khai Chương trình phục hồi nhanh, hiệu quả hơn

Về kết quả, đến hết tháng 5/2022 đã thực hiện khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm thuế, phí 22,6 nghìn tỷ đồng (đạt khoảng 35% kế hoạch); Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của chương trình; các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn, triển khai chương trình nhanh hơn và hiệu quả, thực chất hơn.

Trong đó, hoàn thành, ban hành 4 văn bản trong tháng 6/2022, gồm: hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu; phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công; hướng dẫn việc sử dụng Quỹ Viễn thông công ích để tiếp tục thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet; sửa đổi thông tư hướng dẫn về chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.

"Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm"

Báo cáo trước Quốc hội về giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, đầu tư công là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phải thúc đẩy kịp thời tiến độ vừa phải tính toán kỹ lưỡng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội; đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 6 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đến ngày 31/5/2022, đã giải ngân 22,37% kế hoạch (trong đó, vốn trong nước đạt 23,53%; vốn ODA đạt 6,26%)” - Phó Thủ tướng cho hay.

Theo Phó Thủ tướng, trong tháng 5/2022, 6 tổ công tác đã làm việc và kiểm tra thực tế tình hình giải ngân tại các bộ, cơ quan, địa phương. Quá trình làm việc đã xác định rõ nguyên nhân chậm giải ngân, trong đó, tổ chức thực hiện được xác định là khâu yếu; trên cơ sở đó, tổ trưởng các tổ công tác đã chỉ đạo, yêu cầu thực hiện các giải pháp để phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Qua làm việc, hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đều cam kết sẽ có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng thẳng thắn đánh giá: “Đúng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm; 41/51 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%”.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, sẽ khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến đất đai, nguyên vật liệu; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án để giải ngân nhanh, hiệu quả; đề cao trách nhiệm người đứng đầu về kết quả giải ngân và hiệu quả đầu tư các dự án.

Chính phủ cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, xử lý nghiêm các vi phạm và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các địa phương tăng cường giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; kịp thời có ý kiến với UBND cấp tỉnh để thúc đẩy giải ngân, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong năm 2022./.

Tập trung xây dựng số lượng khổng lồ các văn bản pháp luật

Từ tháng 4/2021 đến nay, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội 13 luật (trong đó, Quốc hội đã thông qua 2 luật và tại kỳ họp lần này trình thông qua 5 luật, xem xét, cho ý kiến 6 luật); đã ban hành 124 nghị định, 190 nghị quyết.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 37 quyết định quy phạm pháp luật, 2.409 quyết định cá biệt để thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thời gian qua có nhiều đổi mới, tập trung tháo gỡ, xử lý những vướng mắc, điểm nghẽn, góp phần quan trọng vào thành công trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Có được kết quả tích cực, nổi bật nêu trên là nhờ có sự đồng hành, phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam