Dự trữ ngoại hối sụt giảm: Thách thức lớn đối với các thị trường mới nổi

08:53 | 08/04/2015 Print
Xu hướng tăng dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương trong suốt hơn 1 thập kỷ qua dường như đã đảo chiều khi tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu sụt giảm xuống còn 11.600 tỷ USD vào tháng 3, từ mức kỷ lục 12.030 tỷ USD đạt được vào tháng 8/2014.

Dự trữ ngoại hối toàn cầu

Dự trữ ngoại hối toàn cầu sụt giảm sau khi đạt kỷ lục 12.030 tỷ USD vào tháng 8/2014. Ảnh: searchenginewatch.com

Có thể con số sụt giảm này đã bị “phóng đại” do sự tăng giá mạnh mẽ của đồng USD trong thời gian gần đây so với các đồng tiền dự trữ khác như đồng euro. Tuy nhiên, điều này vẫn cho thấy các ngân hàng trung ương đang thay đổi chính sách dự trữ, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc và Nga sau 1 thập kỷ tăng thêm trung bình 824 tỷ USD dự trữ mỗi năm.

Sự sụt giảm dự trữ ngoại hối có thể gây khó khăn cho các quốc gia mới nổi trong việc tăng cung tiền và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như có thể tiếp tục đẩy đồng euro mất giá hay làm giảm cầu trái phiếu kho bạc Mỹ.

Stephen Jen, cựu chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho rằng, đây thật sự là một thách thức lớn đối với các thị trường mới nổi.

Loại trừ tác động của biến động tỷ giá, Credit Suisse Group AG ước tính rằng, các quốc gia đang phát triển hiện nắm giữ khoảng 2/3 dự trữ toàn cầu đã chi tiêu 54 tỷ USD dự trữ trong quý 4 vừa qua, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo IMF, tỷ lệ đồng euro trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống chỉ còn 22% - mức thấp nhất kể từ năm 2002. Trong khi đó, dự trữ USD tăng lên mức 63%, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc – quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, cùng với nhiều quốc gia khác đã bán ra đô la để đối phó với việc dòng vốn chảy ra ngoài và củng cố đồng tiền của mình. Chỉ số theo dõi các đồng tiền của các thị trường mới nổi của Bloomberg đã giảm 15% so với đồng USD trong vòng 1 năm qua. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc ước tính ở mức 3.800 tỷ USD vào tháng 12 sau khi đạt mức kỷ lục 4.000 tỷ USD vào tháng 6.

Xu hướng giảm dự trữ ngoại hối dường như sẽ còn tiếp tục do giá dầu vẫn duy trì ở mức thấp và tăng trưởng ở các thị trường mới nổi vẫn còn yếu.

Một chuyên gia cho biết, khu vực Trung Đông và Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực cắt giảm dự trữ trong một vài năm tới, đặc biệt là dự trữ bằng đồng euro.

Đồng euro trong năm nay đã giảm giá so với 29 đồng tiền trong số 31 đồng tiền chính do Ngân hàng Trung ương châu Âu tiến hành bơm tiền để đẩy lùi giảm phát.

Các ngân hàng trung ương ở các quốc gia mới nổi bắt đầu tăng dự trữ ngoại hối sau cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990, để bảo vệ thị trường trong bối cảnh vốn nước ngoài khan hiếm và khó tiếp cận. Các ngân hàng trung ương cũng mua vào USD để hạn chế việc tăng tỷ giá so với đồng bản tệ, do đó, dự trữ ngoại hối đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2003, theo số liệu của Bloomberg./.

Mai Linh (theo Bloomberg)

Mai Linh (theo Bloomberg)

© Thời báo Tài chính Việt Nam