Vì sao Nga bất ngờ giảm giá khí đốt cho Ukraine?

11:22 | 03/04/2015 Print
Mới đây, chính phủ Nga vừa yêu cầu tập đoàn khí đốt thuộc sở hữu Nhà nước Gazprom giảm giá bán nguồn năng lượng này cho nước láng giềng Ukraine. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra xung quanh nguyên nhân thực sự của đề nghị có phần “kỳ lạ” này.

Vì sao Nga bất ngờ giảm giá khí đốt cho Ukraine

Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom sẽ hạ giá bán khí đốt cho Ukraine. - Ảnh: gazprom.com

Cuộc xung đột vũ trang nhiều tháng trời qua giữa Nga và Ukraine đã gần như hủy hoại nền kinh tế đất nước Ukraine. Vì vậy, khó có thể tin Nga lại đột nhiên “giang tay” giúp đỡ người láng giềng của mình.

Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi một bức thư cho chính phủ Nga yêu cầu cân nhắc các biện pháp giảm giá khí đốt cho Kiev, chẳng hạn như bãi bỏ thuế xuất khẩu hiện đang ở mức 100 USD cho 1000 mét khối khí. Để trả lời, Moskva yêu cầu “người khổng lồ” ngành năng lượng Gazprom hạ giá bán gas cho Ukraine. Trước mắt, Gazprom đã đồng ý với thỏa thuận cung cấp khí đốt cho Kiev với giá ưu đãi.

Động thái này cho thấy Nga đang cố gắng xoa dịu những căng thẳng trong khu vực Đông Âu. Nhưng nhìn sâu hơn, thực chất Nga tìm cách thoát ra khỏi lệnh trừng phạt quốc tế, là một trong những nguyên nhân chính khiến nước này lún sâu vào khủng hoảng gần đây. GDP của Nga theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ giảm 3% trong năm nay, và giảm tiếp 1% nữa vào năm 2016.

Các hợp đồng giao dịch về khí đốt giữa 2 nước từ lâu đã mang đến nhiều bất hòa và xung đột. Năm 2013, Ukraine nhập khẩu đến 58% lượng khí gas cần thiết cho nhu cầu quốc nội từ Nga, trong khi đó, Moskva nhiều lần sử dụng các hợp đồng khí đốt để yêu cầu Kiev đáp ứng những nhượng bộ chính trị. Thậm chí, hồi năm 2011, cựu Thủ tướng Ukraine, bà Yulia Tymoshenko đã bị tòa án nước này kết án 7 năm tù vì tội lạm dụng chức vụ trong khi giải quyết vụ tranh chấp khí đốt với Nga vào năm 2009.

Bản thân Ukraine thời gian gần đây cũng đã cố gắng giảm bớt sự lệ thuộc từ Nga, bằng cách chuyển sang nhập nguồn năng lượng này từ châu Âu. Theo thống kê, năm ngoái Ukraine nhập khẩu khí tự nhiên từ EU tăng đến 138%, tương ứng với 5 tỷ mét khối, trong khi khí gas lấy từ Nga giảm 44%, tức 14,5 tỷ mét khối. Nga vẫn là nhà cung cấp lớn gấp ba lần so với EU, tuy nhiên thị phần khí đốt của Nga trên thị trường Ukraine đã giảm hơn 1/3.

Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk tháng trước tiết lộ Ukraine sẽ mượn thêm 1 tỷ USD dưới sự bảo lãnh của chính phủ để tiếp tục mua khí tự nhiên từ các nhà cung cấp ở châu Âu. Tuy nhiên, quy trình thực hiện vấn đề này gần như chắc chắn sẽ lâu hơn Kiev dự kiến.

Đây cũng được xem là thời điểm quan trọng cho Ukraine khi họ đang tiến hành những cải cách kinh tế đầy tham vọng nhằm đáp ứng yêu cầu của IMF cho gói cứu trợ 40 tỷ USD. Một phần của thỏa thuận này là việc tái cơ cấu nợ xấu của đất nước, khi đó có thể dẫn đến thiệt hại đáng kể cho các chủ nợ.

Cần phải nói thêm rằng, ở thời điểm hiện tại, món nợ 3 tỷ USD mà Nga trích từ Quỹ thịnh vượng của nước này cho Ukraine mượn là một khoản nợ có thể phải thương lượng lại. Theo giấy tờ món nợ đó cần được hoàn trả vào tháng 12/2015, nhưng khó có khả năng Kiev có thể đáp ứng kịp thời hạn nói trên.

Trong khi đó, IMF có chính sách "không dung thứ", tức là không cho vay đối với những quốc gia không có khả năng thanh toán một khoản nợ trong khu vực nhà nước. Khoản nợ 3 tỷ USD mà Chính phủ Nga cho chính quyền Kiev trước đây vay trong năm 2010 là thuộc một quỹ phúc lợi nhà nước của Nga, do vậy nó được coi là nợ nhà nước. Nếu Moskva từ chối đàm phán gia hạn nợ với chính quyền Kiev vào cuối năm nay thì Ukraine coi như bị vỡ nợ, sẽ không còn nhận được viện trợ từ IMF nữa.

Như vậy, Nga đang là người nắm “đằng chuôi” trong chuyện Ukraine có thể đáp ứng điều kiện của IMF để tiếp tục nhận được gói cứu trợ hay không. Đây cũng là cơ hội để Nga thể hiện cho quốc tế thấy những nỗ lực của họ, với hi vọng Mỹ và EU có thể xem xét sớm nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế lên quốc gia này./.

Ngọc Vũ

Ngọc Vũ

© Thời báo Tài chính Việt Nam