Đề xuất thành lập nhóm công tác nghiên cứu thực thi Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu

13:36 | 10/06/2022 Print
(TBTCO) - Trước dự báo về tác động của Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu lên sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, các chính sách thuế, lãnh đạo Dịch vụ thuế EY Khu vực Đông Dương đề xuất Việt Nam nên thành lập nhóm công tác nghiên cứu thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.

Dự kiến, cuối năm 2023 "Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu" (nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận - BEPS) sẽ được các nước tham gia bắt đầu thực thi. Đây là một thoả thuận đa phương, với sự tham gia của hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới, với mức thuế tối thiểu thống nhất là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên. Quy tắc ước tính sẽ tạo ra khoảng trên 150 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu hàng năm.

Theo thống kê, "Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu" sẽ tác động tới hầu hết các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam, cũng như các nước đang phát triển. Quy tắc trên đặt Việt Nam trong bối cảnh mới về thu hút đầu tư nước ngoài khi thuế không còn là công cụ hàng đầu để ưu đãi thu hút đầu tư.

Quy tắc cũng đặt Việt Nam và nhiều nước đang phát triển trước câu hỏi làm sao để vừa thực thi thoả thuận theo cam kết vừa giữ được lợi ích quốc gia, vừa đảm bảo được sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư; tiếp tục thu hút được các dự án quy mô lớn, công nghệ cao phục vụ công cuộc "Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước".

Để tìm hiểu những kinh nghiệm quốc tế tốt trong thực thi quy tắc, cách ứng xử của các nước khi lợi thế cạnh tranh về ưu đãi thuế mất đi, phóng viên TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn ông Robert King - Lãnh đạo Dịch vụ Thuế EY Khu vực Đông Dương.

* PV: Với tư cách đại diện của một công ty tư vấn thuế, ông có thể vui lòng cho chúng tôi biết Quy tắc Thuế suất tối thiểu có thể tác động như thế nào đến môi trường đầu tư của Việt Nam, khi quy tắc này được thực thi?

Ông Robert King: Khái niệm về một mức thuế suất tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ BEPS 2.0 Trụ cột 2 (“Trụ cột 2”). Khuôn khổ này đã được phát triển bởi Diễn đàn hợp tác chung OECD/G20. Có 140 quốc gia tham gia diễn đàn hợp tác chung này, trong đó có Việt Nam. Trong khi chi tiết của các quy tắc mới được đề xuất này hiện vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện, 136 quốc gia, đại diện cho hơn 95% GDP toàn cầu, đã ủng hộ nguyên tắc của khuôn khổ mới này. Điều này là rất quan trọng, bởi như bạn sẽ thấy, các quy tắc mới được đề xuất này có thể tác động đến môi trường đầu tư của Việt Nam ngay cả khi chính Việt Nam không áp dụng chúng.

Đề xuất thành lập nhóm công tác nghiên cứu thực thi Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu
Ông Robert King - Lãnh đạo Dịch vụ thuế EY Khu vực Đông Dương

Khái niệm về một mức thuế suất tối thiểu toàn cầu được xây dựng để đối phó với điều được mô tả là “cuộc chạy đua xuống đáy” trong bối cảnh các quốc gia thực hiện giảm thuế doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Với sự toàn cầu hóa và số hóa ngày càng tăng, việc các tập đoàn lớn lựa chọn nơi họ muốn đặt địa điểm sản xuất và các bộ phận hỗ trợ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Trong số nhiều yếu tố chi phối quyết định về địa điểm đầu tư, một yếu tố quan trọng là số thuế áp dụng ở một địa điểm cụ thể. Về vấn đề này, các quốc gia cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài đang đưa ra các chính sách ưu đãi thuế. Ưu đãi thuế càng cao thì điểm đến càng hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã áp dụng chính sách ưu đãi thuế dưới hình thức miễn thuế và giảm thuế suất trong một khoảng thời gian để thúc đẩy đầu tư vào một số địa bàn, lĩnh vực nhất định và ở mức quy mô nhất định. Nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng áp dụng các ưu đãi thuế.

Trụ cột 2 sẽ đưa ra một số cơ chế khác nhau được thiết kế để đạt được một mức thuế suất tối thiểu ở mỗi quốc gia mà tại đó một tập đoàn đa quốc gia lớn hoạt động. Các quy tắc cụ thể rất phức tạp, nhưng nhìn chung, một tập đoàn đa quốc gia sẽ cần phải đánh giá, trên cơ sở từng quốc gia, liệu thuế suất hiệu quả của họ ở quốc gia đó là cao hơn hay thấp hơn 15%. Nếu nó thấp hơn 15%, một số hình thức thuế bổ sung có thể được áp dụng nhằm đưa mức thuế lên mức tối thiểu 15%.

Lấy Việt Nam làm ví dụ, nếu thuế suất hiệu quả của một tập đoàn đa quốc gia lớn áp dụng đối với các hoạt động tại Việt Nam thấp hơn 15% (ví dụ do các công ty con ở Việt Nam đang được hưởng ưu đãi thuế) và quốc gia nơi công ty đứng đầu của tập đoàn đặt trụ sở đã áp dụng Trụ cột 2, thì công ty đứng đầu trong tập đoàn (được gọi là Công ty mẹ tối cao trong Quy tắc mẫu Trụ cột 2) sẽ phải nộp thuế bổ sung tại quốc gia đó để bù đắp cho việc nộp thuế thấp hơn tại Việt Nam. Nếu quốc gia đặt trụ sở chính chưa áp dụng Trụ cột 2 và có các công ty cấp dưới khác giữa công ty mẹ tối cao và công ty con tại Việt Nam hoặc có các công ty khác thuộc tập đoàn mà một trong số các công ty này được đặt tại các quốc gia đã áp dụng Trụ cột 2, thì thuế bổ sung có thể được áp dụng ở các quốc gia đó. Đây là lý do tại sao các quy tắc này có thể tạo ra nghĩa vụ thuế đối với lợi nhuận thu được tại Việt Nam, ngay cả khi chính Việt Nam không thực thi các quy tắc này.

Việc thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm hoặc làm mất tác dụng của lợi ích từ các ưu đãi thuế sẽ có ảnh hưởng bất lợi đến lợi nhuận từ đầu tư của các tập đoàn mà đã thực hiện đầu tư dựa trên cơ sở được áp dụng ưu đãi thuế. Đây có thể được coi là một kết quả không công bằng khi khoản đầu tư này đã được thực hiện một cách thiện chí dựa trên các quy định sẵn có ở thời điểm đó. Thứ hai, đối với các công ty chưa thực hiện đầu tư, họ sẽ phải tính đến thuế tối thiểu toàn cầu khi ra quyết định đầu tư. Do đó, từ khía cạnh các ưu đãi thuế là một trong những yếu tố thu hút đầu tư vào Việt Nam, điều này có thể khiến Việt Nam trở thành một điểm đến kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các quốc gia khác mà đã đang áp dụng các ưu đãi thuế cũng sẽ gặp phải những vấn đề tương tự.

* PV: Ông có thể chia sẻ về lộ trình thực hiện quy tắc này được không?

Ông Robert King: Có một số các cấu phần cụ thể khác nhau trong Trụ cột 2, nhưng theo kế hoạch ban đầu quy tắc cốt lõi sẽ được công bố vào năm 2022 và có hiệu lực từ năm 2023. Có nhiều khả năng thời gian này sẽ bị lùi lại 12 tháng. Tuy nhiên, cuối cùng việc thực hiện là vấn đề tự quyết của mỗi quốc gia. Vì vậy, trong khi phần lớn quốc gia có thể dự kiến sẽ áp dụng các quy tắc mới này vào năm 2024, một số quốc gia có thể áp dụng sớm vào năm 2023 hoặc áp dụng muộn vào năm 2025 hoặc muộn hơn.

* PV: Hiện tại có hơn 130 quốc gia ủng hộ BEPS 2.0. Các quốc gia khác phản ứng như nào đến việc thực hiện quy tắc này và tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, đặc biệt đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam?

Ông Robert King: Hiện tại còn quá sớm để nói về vấn đề các quốc gia sẽ xử lý các tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đến đầu tư nước ngoài như thế nào. Điều quan trọng trong giai đoạn này là cần phải hiểu đúng các quy tắc này sẽ ảnh hưởng đến những nhà đầu tư hiện tại như thế nào; có khả năng ảnh hưởng đến nhà đầu tư trong tương lai như thế nào; và đánh giá xem những thay đổi nào là cần thiết cho chính sách thuế nội địa cũng như các ưu đãi đã được đưa ra.

Vì thế, chúng tôi đề xuất thành lập một nhóm công tác để phân tích những vấn đề này và có những khuyến nghị phù hợp cho các nhà hoạch định chính sách.

Chúng tôi cũng đề xuất các tập đoàn mô phỏng tác động của các quy tắc mới này đối với hoạt động của họ. Điều này sẽ giúp họ có những khuyến nghị phù hợp cho nhóm công tác cũng như các nhà hoạch định chính sách của chính phủ.

Có một điều rõ ràng rằng, việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ vẫn giữ vị trí quan trọng đối với tất cả các quốc gia, cả quốc gia phát triển và đang phát triển. Trụ cột 2 sẽ không thay đổi điều đó. Các quốc gia vẫn sẽ cạnh tranh với nhau về vấn đề đầu tư và những vấn đề như môi trường hoạt động, cơ sở hạ tầng hỗ trợ, tiếp cận về giao thông, ổn định chính trị, lực lượng lao động sẽ càng trở nên quan trọng hơn. Do đó, các quốc gia sẽ cần phải đánh giá sự cân bằng mới giữa các ưu đãi thuế, ưu đãi tài chính khác và đầu tư vào môi trường hoạt động của mình trong bối cảnh Trụ cột 2. Trong sự đánh giá này, cần thiết xem xét không chỉ những nhà đầu tư mới có tiềm năng, mà cả những nhà đầu tư hiện tại.

* PV: Cuối cùng, ông có những khuyến nghị gì cho Việt Nam để áp dụng quy tắc này và vẫn giữ được một môi trường đầu tư hấp dẫn cho những nhà đầu tư lớn?

Ông Robert King: Theo Trụ cột 2, nếu Việt Nam không đánh thuế những công ty bị ảnh hưởng với mức thuế tối thiểu là 15%, lợi nhuận đó có khả năng sẽ bị đánh thuế ở quốc gia khác. Vì vậy, Việt Nam nên cân nhắc điều chỉnh quy tắc thuế nội địa tới mức thuế suất tối thiểu, nếu không, Việt Nam sẽ mất quyền đánh thuế cho quốc gia khác.

Trong trường hợp Việt Nam quyết định tăng thuế nội địa để không mất quyền đánh thuế, Việt Nam có thể xem xét riêng việc áp dụng các chính sách khác để khuyến khích đầu tư nước ngoài, hoặc các nhà đầu tư hiện tại, theo những cách khác nhau. Có thể là một số khoản trợ cấp để hỗ trợ các khoản chi tiêu cụ thể, hỗ trợ tài chính giá rẻ, cung cấp các lợi ích về nơi làm việc, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, v.v.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Thoan

© Thời báo Tài chính Việt Nam