VN-Index thất bại tại mốc 1.300 điểm, chứng khoán Việt có thoát ảnh hưởng thế giới?

11:09 | 12/06/2022 Print
(TBTCO) - VN-Index có tuần giảm nhẹ 3,9 điểm không phải là nhiều, nhưng đáng chú ý ở chỗ xảy ra tại ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm. Rất nhiều lần chỉ số đã vượt qua ngưỡng này, thậm chí đóng cửa cao hơn, nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Thời điểm hội tụ về ngưỡng cản kỹ thuật lẫn diễn biến bối cảnh quốc tế đang gây áp lực mới lên chứng khoán trong nước.

Chứng khoán chưa lôi kéo được dòng tiền mới

Ngưỡng kháng cự quanh mốc 1.300 điểm có thể nhìn thấy rất rõ đối với bất kỳ ai biết về phân tích kỹ thuật. Đó là tỷ lệ hoàn tăng 38,2% so với biên độ giảm từ đầu tháng 4 tới đáy tháng 5 vừa qua. Đó là chưa kể các phân tích từ công ty chứng khoán hoặc nhiều nguồn khác đều nhấn đi nhấn lại về mốc điểm số này. Vì vậy sẽ có nhiều nhà đầu tư quan sát thị trường khi tiến gần đến mốc đó.

Nếu tính cả các dao động trong ngày thì VN-Index có hàng chục lần vượt qua rồi lại rớt xuống dưới mốc 1.300 điểm. Nếu tính theo ngưỡng đóng cửa thì chỉ số cũng có 2 phiên hoàn toàn chốt trên mốc này. Tuy vậy đến phiên cuối tuần qua thì VN-Index đã để mất 23,72 điểm và rơi xuống 1.284,08 điểm.

Rõ ràng về mặt diễn biến, đó không phải là tín hiệu tốt, mà là biểu hiện rằng thị trường đang gặp khó khăn. Thực ra chỉ số VN-Index có 2 lần đóng cửa trên mức hoàn tăng 38,2% (tương đương 1.300 điểm) nhưng chỉ số VN30-Index thì chưa lần nào làm được như vậy (mức hoàn tăng 38,2% tương đương 1.343 điểm). Vì vậy tuy ở một vài thời điểm cổ phiếu trụ nào đó kéo VN-Index chớm tăng qua ngưỡng 1.300 điểm không phải là một tín hiệu chắc chắn.

Điểm thứ hai là dòng tiền kém khi thị trường tiến vào vùng kháng cự kỹ thuật. Một sự đối lập khá gay gắt là trong tháng 5 vừa qua thị trường chứng kiến số lượng tài khoản mới kỷ lục với tổng số 476.711 tài khoản, trong đó riêng nhà đầu tư cá nhân trong nước là 476.322 tài khoản. Có thể nói rằng hàng trăm ngàn tài khoản này mở đúng lúc thị trường tạo đáy ngắn hạn. Thế nhưng thanh khoản lại quá èo uột. Cụ thể, trên HoSE, giá trị khớp lệnh trung bình tháng 4 khoảng 20.723 tỷ đồng/phiên. Sang tháng 5 thanh khoản còn trung bình 13.839 tỷ đồng phiên, giảm 33,2%. Trong 8 phiên đầu tháng 6, thanh khoản cũng chỉ đạt trung bình 14.399 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 4% so với trung bình tháng 5.

Sự tương phản này cho thấy hoặc nhà đầu tư mở tài khoản mới nhưng chưa bơm nhiều tiền vào, hoặc tiền chưa chịu mua, hoặc số liệu... sai. Dù là khả năng nào thì biểu hiện ra vẫn là một dòng tiền yếu ớt trên thị trường. Đó mới là lý do khiến VN-Index gặp khó khăn quanh ngưỡng 1.300 điểm: Niềm tin chưa đủ lớn để nhà đầu tư giải ngân mạnh hơn.

VN-Index thất bại tại mốc 1.300 điểm, chứng khoán Việt có thoát ảnh hưởng thế giới?
VN-Index cũng giống nhiều chỉ số khác trên thế giới, hiện mới phục hồi tới ngưỡng kháng cự kỹ thuật cơ bản và quay đầu giảm trở lại.

Cơ hội còn hay hết?

Có một sự tương đồng khá thú vị trong nhịp phục hồi này của thị trường chứng khoán Việt Nam, là nhiều chỉ số của các thị trường chứng khoán khác cũng trong một nhịp hồi tương tự và đạt tỷ lệ tương tự. Chẳng hạn chỉ số SP500 của Mỹ cũng phục hồi tới ngưỡng 38,2% kể từ đỉnh tháng 4. Chứng khoán Mỹ quay đầu điều chỉnh trước Việt Nam, thậm chí SP500 phiên cuối tuần qua còn rơi trở lại đáy cũ giữa tháng 5 (cũng lại là đáy tương đương về thời điểm với VN-Index).

Dĩ nhiên áp lực khiến các thị trường quốc tế điều chỉnh là không giống với Việt Nam, khi lạm phát tháng 5 ở các nước rất cao, tăng trưởng chậm và mối lo tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến. Tuy vậy ảnh hưởng liên thông là hoàn toàn có thể xảy ra, ít nhất dưới góc độ tâm lý.

Vậy thị trường trong nước còn cơ hội hay không? Đó là một câu hỏi rất khó vì liên quan trực tiếp đến dòng tiền có chấp nhận mức định giá hiện tại hay không. Nếu các thị trường quốc tế thủng đáy tháng 5 và tìm đáy mới, đây sẽ là tình huống rất khó chịu. Mặc dù chứng khoán Việt Nam vẫn được coi là định giá rẻ, nhưng yếu tố ngắn hạn thường không liên quan nhiều đến diễn biến thị trường.

Trong kịch bản khả dĩ nhất, thị trường quốc tế không giảm quá sốc và VN-Index giữ được đáy ngắn hạn hồi tháng 5, dòng tiền có thể tự tin quay lại. Dù sao việc thị trường Việt Nam lao dốc nặng trong tháng 4 và tháng 5 cũng có liên quan nhiều đến yếu tố kỹ thuật, mà cụ thể là quy mô margin quá cao, chứ không phải từ các yếu tố vĩ mô như lạm phát hay tăng trưởng. Đó là sự khác biệt lớn nhất, là cơ hội duy nhất để thị trường Việt Nam tích cực hơn thế giới. Nếu thị trường trụ được trong tháng 6, cơ hội sẽ quay lại rõ nét hơn với kết quả kinh doanh quý 2.

Trọng Nghĩa

© Thời báo Tài chính Việt Nam