TP. Hồ Chí Minh: Hơn 15.144 tỷ đồng dành cho chương trình giảm nghèo bền vững

11:00 | 29/09/2022 Print
Theo lộ trình và đánh giá kết quả giai đoạn đầu triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững của UBND TP. Hồ Chí Minh vừa công bố, giai đoạn 2021 – 2025 thành phố dành hơn 15.144 tỷ đồng để thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
TP. Hồ Chí Minh: Hơn 15.144 tỷ đồng dành cho chương trình giảm nghèo bền vững
Liên đoàn lao động thành phố tặng quà hộ nghèo. Ảnh: CTV

Nhiều chương trình đồng bộ

Tổng hợp từ Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP. Hồ Chí Minh, đầu giai đoạn 2021 - 2025, toàn thành phố (TP) có 58.019 hộ nghèo và cận nghèo, với 227.743 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 2,29% so với tổng số hộ dân TP (trong đó có 37.772 hộ nghèo với 148.763 nhân khẩu và 20.247 hộ cận nghèo với 78.980 nhân khẩu).

Đến cuối năm 2021, TP đã giảm 1.597 hộ nghèo với 5.822 nhân khẩu, đạt 16,85% kế hoạch năm và giảm 1.378 hộ cận nghèo với 5,288 nhân khẩu, đạt 15,76% kế hoạch năm. TP còn lại 56.226 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có 36.664 hộ nghèo với 144.061 nhân khẩu chiếm tỷ lệ 1,45% và 19.562 hộ cận nghèo với 76.151 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,77% tổng hộ dân TP.

Cũng theo tính toán, tỷ lệ hộ nghèo với ngưỡng thu nhập trong chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 thì đến cuối năm 2021, TP còn lại 4.223 giảm 856 hộ, tỷ lệ 16,85% so với tổng số hộ đầu giai đoạn.

Để đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo TP tiếp cận chính sách hỗ trợ nhà ở, trong nhiều năm qua, UBND TP luôn quan tâm và ban hành nhiều chủ trương sử dụng nguồn vận động hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các đoàn thể TP về sửa chữa, chống dột, xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo TP.

Riêng trong quý 1/2022, đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 19 căn nhà tình thương với gần 1 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa chống dột 26 căn nhà tình thương với gần 1 tỷ đồng và hỗ trợ sửa chữa 4 căn nhà tình nghĩa với gần 200 triệu đồng.

Trong năm 2021, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp của TP đã vận động hơn 159,1 tỷ đồng, cụ thể đã dựng mới và sửa chữa 237 nhà tình thương với hơn 10,3 tỷ đồng; sửa chữa và xây dựng 20 nhà tình nghĩa với gần 800 triệu đồng; hỗ trợ học nghề cho 142 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn với gần 200 triệu đồng; hỗ trợ 152 phương tiện sinh kế hơn 1,6 tỷ đồng; trao tặng 12.215 suất học bổng hơn 24,5 tỷ đồng và 72 phương tiện đi học gần 135 triệu đồng; phụng dưỡng và tặng quà cho 193 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh có hoàn cảnh khó khăn hơn 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, TP đã vận động hỗ trợ 126.696 suất quà chăm lo Tết Nguyên đán với hơn 77,1 tỷ đồng; hỗ trợ 1.676 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó khăn gần 1 tỷ đồng, trợ cấp 1.726 hộ nghèo khó khăn hơn 3,3 tỷ đồng; hỗ trợ chăm lo khác hơn 37,6 tỷ đồng... góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Giảm nghèo bền vững năm 2021 trên địa bàn.

Đầu năm 2022, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động và tổ chức trao tặng 60.759 suất quà với hơn 39,8 tỷ đồng và 384.123 suất quà với hơn 184 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa để chăm lo cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, cán bộ mặt trận cơ sở có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng khác…

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo ban chỉ đạo, để tiếp tục đạt được những kết quả bền vững, chương trình giảm nghèo thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ theo các nội dung Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật hiện hành, chịu sự giám sát chặt chẽ của Thường trực HĐND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các đoàn thể đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đặc biệt, cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc lồng ghép triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch giảm nghèo; luôn bám sát lộ trình hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng của cả hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể quận, huyện và TP. Thủ Đức nỗ lực tham gia vào công tác vận động, chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, phát huy Quỹ “Vì người nghèo”, vận động các nhà tài trợ, các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ chăm lo cho các hộ nghèo với nhiều nội dung thiết thực.

Đại diện Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP.Hồ Chí Minh cho biết, do chuẩn nghèo của TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 khác biệt so với chuẩn nghèo quốc gia được quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chuẩn nghèo đa chiều, nên TP đã thay đổi cách tiếp cận về đối tượng, cách thức đo lường và một số chỉ số thiếu hụt xã hội cơ bản nhằm xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, TP. Hồ Chí Minh ưu tiên dành nguồn ngân sách và đặc biệt là nguồn xã hội hóa bố trí cho chương trình hơn 15.144 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội.

Đặc biệt là các chính sách nhằm giảm các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp hộ tích lũy thêm thu nhập có điều kiện thoát nghèo bền vững.

Theo đó, TP phối hợp với Bộ Y tế sớm ban hành các nội dung chính sách hỗ trợ trẻ thiếu hụt về dinh dưỡng; nguồn kinh phí thực hiện chính sách; tổ chức thực hiện chính sách.

Tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng cần tham mưu Chính phủ cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia và chuẩn hộ nghèo do địa phương quy định để hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các chính sách phù hợp để hộ nghèo, hộ cận nghèo được xây dựng, sửa chữa nhà khi chưa có hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.

Đối với chính sách bảo hiểm xã hội, tiếp tục mở rộng, tạo điều kiện, thời gian đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu, tăng mức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam