Ngân hàng Nhà nước: Tăng trưởng tín dụng đã đạt khoảng 8,16%

14:51 | 15/06/2022 Print
(TBTCO) - Sáng ngày 15/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã họp báo thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022. Theo thông tin mới được Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, tăng trưởng tín dụng đến nay đã đạt khoảng 8,16%.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước: Tăng trưởng tín dụng đã đạt khoảng 8,16%
Tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6 đã đạt khoảng 8,16%. Ảnh: Chí Tín
Tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể lên tới 15% Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng vào cuối năm Tín dụng bán lẻ tăng trưởng ấn tượng giúp ngân hàng vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19

Trong điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Kết quả, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, còn tính đến sát những ngày gần đây đạt được khoản 8,16%.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tốc độ tăng trưởng như trên phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế, nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Đồng thời, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các tổ chức tín dụng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các thông tư sửa đổi, bổ sung; chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán...

Trong hoạt động thanh toán, khuôn khổ pháp lý và chính sách tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng và 27,5% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng 56,52% và 111,62%; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường.../.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam