JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ đưa Việt Nam sớm phục hồi và trở lại quỹ đạo tăng trưởng

08:13 | 16/06/2022 Print
(TBTCO) - Trong năm tài khóa 2022, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế và mở rộng “mạng lưới an toàn”, bao gồm lĩnh vực y tế, nhằm góp phần đưa Việt Nam sớm phục hồi và trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Nhân dịp kết thúc năm tài khóa 2021 và bước sang tài năm tài khóa 2022, ông Shimizu Akira- Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên về một số kết quả hợp tác nổi bật của JICA tại Việt Nam trong nửa cuối tài khóa 2021 và kế hoạch nửa đầu tài khóa 2022.

JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ đưa Việt Nam sớm phục hồi và trở lại quỹ đạo tăng trưởng
JICA bàn giao các thiết bị y tế điều trị Covid-19 cho Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: tư liệu

Đầu tiên trong lĩnh vực y tế, trong tài khóa 2021, JICA đã tập trung hỗ trợ Việt Nam ứng phó và kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Một số hoạt động nổi bật đã được triển khai và hoàn tất nhanh chóng gồm: mua sắm thiết bị bảo quản vắc-xin thông qua UNICEF; kết hợp cùng Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tăng cường năng lực cho các cán bộ trong điều tra và giám sát các bệnh truyền nhiễm, cung cấp thiết bị phòng ngừa dịch bệnh nhằm hỗ trợ phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn lây lan các bệnh truyền nhiễm khu vực biên giới; bàn giao cho Bệnh viện Trung ương Huế các thiết bị y tế thiết yếu và xe cứu thương phục vụ cho vận chuyển và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nặng.

Bên cạnh đó, JICA đã triển khai nhiều hỗ trợ khác cho cuộc chiến chống các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam như: bàn giao các thiết bị chính cho Phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III (BSL-3) tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh vào tháng 1/2022; bàn giao các thiết bị y tế (máy tim phổi nhân tạo ECMO, hộp lạnh bảo quản vắc-xin, thiết bị y tế phục vụ tiêm chủng an toàn vắc-xin Covid-19...) cho Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) và tỉnh Lai Châu...

Theo ông Shimizu Akira, mặc dù Việt Nam đã khống chế thành công dịch bệnh nhưng đã có rất nhiều người tử vong. Nền kinh tế, đặc biệt là các ngành dịch vụ, đã phải gánh chịu những thiệt hại vô cùng to lớn do đại dịch. Do vậy, JICA sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực phát triển kinh tế và mở rộng “mạng lưới an toàn”, bao gồm lĩnh vực y tế, nhằm góp phần đưa Việt Nam sớm phục hồi và trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Trong năm tài khóa 2022, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn diện tăng cường hệ thống y tế Việt Nam, như tăng cường năng lực cho các bệnh viện nòng cốt thông qua hỗ trợ hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý trang thiết bị y tế, cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Bạch Mai...

Trong lĩnh vực tăng trưởng kinh tế, dự án Đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên được Nhật Bản và Việt Nam quan tâm hàng đầu. Đến nay, tất cả các đoàn tàu trong dự án đã được vận chuyển từ Nhật Bản về đến Việt Nam, công trình đang được khẩn trương hoàn thành để nhanh chóng đưa vào sử dụng. Ngoài ra, công trình thuộc dự án Điện gió trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị được quyết định đầu tư theo hình thức cho vay đầu tư hải ngoại vào tháng 5/2021 đã hoàn thành và bắt đầu vận hành thương mại vào cuối tháng 10/2021, JICA cũng sẽ hỗ trợ dự án cung cấp năng lượng carbon trung tính do Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy...

Đối với lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực vốn được xem như nền tảng cho tăng trưởng, hiện có 260 sinh viên đã tốt nghiệp và 138 sinh viên mới nhập học tại trường Đại học Việt Nhật. Ngoài ra, trong khuôn khổ các chương trình học bổng dài hạn của JICA, 162 cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam hiện đang theo học các chương trình đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ tại các trường đại học tại Nhật Bản. Dự kiến, 35 cán bộ Việt Nam tiếp theo sẽ được lựa chọn để lên đường sang Nhật Bản học tập bắt đầu từ năm học 2022.

Ông Shimizu Akira cũng cho biết, cuối năm tài khóa 2021 (10/2021-3/2022), 10 tình nguyện viên (TNV) mới đã được JICA phái cử đến Việt Nam. Trong nửa đầu tài khóa 2022, JICA tiếp tục phái cử thêm 10 TNV mới. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới mà JICA nối lại hoạt động phái cử TNV sau một thời gian phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (cử 40 người). JICA cũng sẽ tiếp tục tập trung vào chương trình hợp tác cấp cơ sở.

“Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tháng 4/2022 đã củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản trong năm 2023, JICA sẽ nỗ lực hơn nữa thúc đẩy hợp tác, góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước”- ông Shimizu Akira nhấn mạnh.

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam