Sẽ có văn bản pháp luật mới về phòng chống rửa tiền

17:37 | 16/06/2022 Print
(TBTCO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang soạn thảo dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền sửa đổi và đang thực hiện quy trình lấy ý kiến các tổ chức cá nhân góp ý xây dựng dự thảo này.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc sửa đổi Luật Phòng chống rửa tiền là một yêu cầu để thực thi có hiệu quả các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã gia nhập hoặc phê chuẩn.

Báo cáo đánh giá đa phương về công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam được thông qua tại Hội nghị toàn thể của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế FATF (tháng 3/2022) cũng đã đưa ra một số đánh giá thực trạng thể chế và thực tiễn công tác phòng chống rửa tiền tại Việt Nam.

Sẽ có văn bản pháp luật mới về phòng chống rửa tiền
Sẽ có văn bản pháp luật mới về phòng chống rửa tiền. Ảnh: T.L
Gia tăng hiệu quả phòng chống rửa tiền trong các giao dịch thanh toán Còn nhiều bộn bề khi kiểm soát dòng tiền sẽ vẫn là bài toán khó

Báo cáo này cũng đã xác định các thiếu hụt cũng như khuyến nghị Việt Nam cần thiết phải thực hiện về công tác phòng, chống rửa tiền, bao gồm nội dung hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Theo báo cáo khi đánh giá về mức độ phù hợp của hệ thống pháp luật Việt Nam so với 40 khuyến nghị của FATF, hiện quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn những thiếu hụt, không đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần của các yêu cầu tại 27/40 khuyến nghị.

Sau khi báo cáo được thông qua vào tháng 3/2022, Việt Nam có thời hạn 1 năm để thực hiện các biện pháp khắc phục thiếu hụt nêu trong báo cáo đánh giá trên.

Với những cơ sở trên, ban soạn thảo cho rằng việc ban hành Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế nội tại trong các quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế. Điều này cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng chống rửa tiền trong thời gian tới.

Quan điểm xây dựng dự thảo văn bản là phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và cần cụ thể hóa các chủ trương, chiến lược, kế hoạch của Chính phủ.

Ngoài ra, Luật được xây dựng cũng trên cơ sở tham khảo, cụ thể hóa các chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền trên cơ sở đảm bảo phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Dự thảo Luật cũng được xây dựng trên cơ sở tham khảo pháp luật của một số quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả./.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam