Cần 70.600 tỷ đồng để phát triển sâm Ngọc Linh

19:51 | 16/06/2022 Print
(TBTCO) - Dự tính tổng nhu cầu vốn dự kiến thực hiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045 cần 70.600 tỷ đồng. Trong đó nguồn xã hội hóa khoảng 60.154 tỷ đồng.
Dự kiến cần 70.600 tỷ đồng để phát triển sâm Ngọc linh
Dự kiến cần 70.600 tỷ đồng để phát triển sâm Ngọc Linh. Ảnh: Minh họa

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhằm nâng cao giá trị cho cây sâm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc xây dựng “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045”.

Theo dự thảo, Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do Tổng cục Lâm nghiệp soạn thảo đề ra mục tiêu chung là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Dự tính, tổng nhu cầu vốn dự kiến thực hiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045 cần 70.600 tỷ đồng. Trong đó nguồn xã hội hóa khoảng 60.154 tỷ đồng.

Đến năm 2030, có thể bảo tồn diện tích có phân bố sâm tự nhiên trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 200.000ha tại 7 tỉnh. Cùng với đó, hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và tỉnh Lai Châu với diện tích 27.000ha.

Trong đó, diện tích sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai là 25.900ha, sâm Lai Châu là 800ha. Về giống, cung cấp được tối thiểu 80% giống cây sâm Việt có chất lượng đạt chuẩn, trong đó có ít nhất 50% cây giống được nhân từ mô nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng.

Chương trình được thiết kế 6 dự án thành phần gồm: Điều tra, đánh giá, phân vùng bảo tồn sâm gắn với bảo vệ, phát triển rừng; phát triển vùng nguyên liệu gây trồng, phát triển sâm tập trung; nghiên cứu, phát triển, chọn giống; thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm sâm Việt Nam bền vững và toàn diện theo chuỗi giá trị; xây dựng phát triển thương hiệu, quảng bá thị trường, xúc tiến thương mại; phát triển hạ tầng vùng trồng sâm gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, về nguồn vốn, chính sách phải sát, phải thật, không dàn trải. Phải hình thành nhóm hoạt động gồm các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và mời cả Bộ Y tế tham gia. Đồng thời, phải tham vấn Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có sự đồng thuận, ủng hộ và xây dựng chương trình mang tính khả thi để trình Thủ tướng phê duyệt./.

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam