Tìm giải pháp thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái tài chính số

20:12 | 17/06/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 17/6, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Dịch vụ Tài chính và Ngân hàng mở 2022 với chủ đề: Phát triển hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam - Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng và bứt phá.

Cần chủ động trước xu hướng tài chính số

Diễn đàn liên quan đến phát triển hệ sinh thái tài chính số được tổ chức trong bối cảnh định hướng đổi mới và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng số. Về sự phát triển của mô hình Ngân hàng mở (Open Banking), nhiều ngân hàng thương mại hiện đang triển khai mô hình này ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong năm 2019, một vài ngân hàng đã cho ra mắt các nền tảng API (phương thức trung gian kết nối) để có thể kết nối với các đối tác trong cùng một hệ sinh thái.

Ông Vũ Viết Ngoạn - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phát biểu tại diễn đàn. Ảnh Đỗ Doãn
Ông Vũ Viết Ngoạn - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phát biểu tại diễn đàn. Ảnh Đỗ Doãn

Đối với chứng khoán, nhờ vào các sản phẩm công nghệ như eKYC (định danh khách hàng điện tử) và Blockchain mà các tài khoản giao dịch tăng nhanh. Theo trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, tính đến ngày 30/4/2022, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đã vượt 3,1 triệu tài khoản, trong đó 3,09 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 75% trong số họ ở độ tuổi dưới 35.

Đối với ngành bảo hiểm, theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường Việt Nam ước đạt 217.338 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 57.880 tỷ đồng, tăng 3,98% so với cùng kỳ 2020; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 159.458 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ đó cho thấy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính đang được đầu tư và đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam cũng khá nhiều. Các dịch vụ tài chính số là lĩnh vực còn mới, nên hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn dẫn tới kìm hãm sự phát triển; công tác quản lý, giám sát hoạt động của các chủ thể trong hệ sinh thái tài chính số còn nhiều hạn chế…

Không chỉ vậy, theo The Financialbrand.com, với xu hướng chia sẻ dữ liệu trở nên mạnh mẽ trong năm 2022, mô hình Ngân hàng mở sẽ ngày càng phát triển, tạo ra nhiều biến đổi toàn diện với ngành tài chính ngân hàng. Theo bà Nguyễn Minh Nguyên Thành - Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của akaBot, một trong những việc quan trọng mà doanh nghiệp (DN) cần phải thay đổi, đó chính là chiến lược quản trị thay đổi. Không nên chờ thay đổi đến để đáp ứng, mà DN cần phải chủ động dẫn dắt và quy hoạch những thay đổi này.

Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam Trần Thị Ngọc Thúy chỉ ra những thách thức, khó khăn trong chuyển đổi số lĩnh vực tài chính. Ảnh Đỗ Doãn
Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam Trần Thị Ngọc Thúy chỉ ra những thách thức, khó khăn trong chuyển đổi số lĩnh vực tài chính. Ảnh Đỗ Doãn

Nhận diện thách thức để thay đổi tư duy

Tại diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và ngân hàng chia sẻ bức tranh toàn cảnh về dịch vụ tài chính Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đưa ra những kiến nghị, giải pháp công nghệ nhằm phát triển dịch vụ tài chính và ngân hàng mở, từ đó tạo tiền đề cho tài chính số toàn diện tại Việt Nam.

Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam, chuyển đổi số lĩnh vực tài chính giúp gia tăng hiệu quả và năng suất dịch vụ, bởi hàng loạt dữ liệu sẽ được tạo ra từ việc thực hiện phân tích liên tục. Các dữ liệu này giúp bộc lộ các vấn đề về hiệu suất của nguồn lực, cần khắc phục bằng tối ưu hóa để duy trì và cải thiện năng suất. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực sẽ giúp tiết giảm thời gian, tối ưu hóa năng suất và giảm thời gian chuyển đổi, cùng với các lợi ích tiềm năng khác.

Đối với các tổ chức tài chính, việc chuyển đổi số đặt ra khá nhiều thách thức. Đó là những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực với các kỹ năng cập nhật và phù hợp; khó đào tạo nguồn nhân lực để có kỹ năng phù hợp; không biết bắt đầu từ đâu, điều gì cần thiết và cách lên thứ tự ưu tiên; quản lý và kiến trúc dữ liệu doanh nghiệp không phù hợp (thiếu nguồn dữ liệu chuẩn duy nhất, dữ liệu phân mảnh, chất lượng dữ liệu thấp, không có tập dữ liệu tổng thể cho chuỗi cung ứng đầu cuối); khó khăn trong vận hành hệ thống và quy trình một cách bình thường, trơn tru trong khi các sáng kiến và sản phẩm cần thay đổi.

Một số thách thức khác cũng được bà Ngọc nêu ra tại diễn đàn như: lên thứ tự ưu tiên chưa hợp lý; thiếu sự thấu hiểu và tham gia trực tiếp từ ban lãnh đạo; khó khăn trong phối hợp nguồn nhân lực và công nghệ vận hành một cách hiệu quả; thiếu kết nối với các nền tảng, mạng lưới của các đối tác, bên liên quan khác; chưa có khả năng thể hiện đầy đủ giá trị và lợi ích của các sáng kiến chuyển đổi số dài hạn do sự khắt khe của quy trình báo cáo hiện tại.

‘‘Khảo sát toàn cầu của Deloitte đã tìm hiểu và phân tích cách các DN dự định đầu tư vào chuyển đổi số cho thấy, có nhiều điểm bất cập giữa chiến lược và quá trình triển khai. Cụ thể, DN thường tập trung nhiều hơn vào việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để bảo vệ vị thế của họ thay vì đầu tư táo bạo để thúc đẩy đột phá…’’ - bà Ngọc nói.

Toàn cảnh diễn đàn thúc đẩy phát triển hệ sinh thái tài chính số. Ảnh Đỗ Doãn
Toàn cảnh diễn đàn thúc đẩy phát triển hệ sinh thái tài chính số. Ảnh Đỗ Doãn

Chỉ ra nguyên nhân thất bại trong hành trình chuyển đổi số của DN, ông Vũ Viết Ngoạn - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, trước tiên, đó là do xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ, chưa toàn diện vì chuyển đổi số không chỉ ở ứng dụng công nghệ, mà còn là thay đổi tư duy. Nghĩa là DN phải đồng thời chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi kinh doanh và chuyển đổi mô hình quản trị. Bên cạnh đó, DN còn sai lầm trong chiến lược chuyển đổi số khi 70% DN thất bại thừa nhận họ lựa chọn sai chiến lược. Nguyên nhân cuối cùng là DN không huy được động được nguồn nhân lực tài năng.

Theo ông Ngoạn, nhu cầu khách hàng đang thay đổi chóng mặt khi người tiêu dùng đòi hỏi sự thay đổi dịch vụ tài chính. Tức là khách hàng muốn cá nhân hóa, muốn có thông tin theo thời gian thực 24/7 và muốn dịch vụ tài chính có thể tiếp cận nhiều kênh một cách liền mạch. Thay đổi này đặt DN trước thách thức bắt buộc phải chuyển đổi số, phải đổi mới sáng tạo để tồn tại./.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam