Báo chí trong “cuộc đua” chuyển đổi số

07:00 | 20/06/2022 Print
(TBTCO) - Trải qua lịch sử hơn 300 năm phát triển, báo chí thế giới có những bước đột phá và hiện tại đang đứng trước một “cuộc đua” mạnh mẽ trong sự bùng nổ truyền thông trên nền tảng của công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội. “Chuyển đổi số hay là chết?” đang là câu hỏi lớn đặt ra đối với báo chí trước sự biến đổi của môi trường truyền thông và nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng.

Cuộc cách mạng về làm báo

Chữ viết, nghề làm giấy, công nghệ in hiện đại, công nghệ điện, điện tử, viễn thông… ra đời là điều kiện quan trọng cho ra đời các loại hình, phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có báo chí hiện đại, vào đầu thế kỷ XVII. Internet bắt đầu hình thành ở Mỹ vào những năm 60 của thế kỷ XX và phát triển thành mạng toàn cầu Internet. Đây cũng chính là điều kiện cho ra đời loại hình báo mạng điện tử và các phương tiện truyền thông mới và truyền thông xã hội - mạng xã hội đầu thế kỷ 21.

Vào những năm cuối của thể kỷ XX, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba - cuộc cách mạng về công nghệ thông tin, đã thực sự đạt đến đỉnh cao, tạo đà cho ra đời nhiều loại hình, phương tiện, phương thức truyền thông mới lợi hại. Ranh giới giữa truyền thông đại chúng và truyền thông phi đại chúng dần bị xóa nhòa.

Kỹ thuật, công nghệ số đã làm thay đổi nhanh chóng, buộc các cơ quan báo chí và các nhà báo phải thích ứng.
Kỹ thuật, công nghệ số đã làm thay đổi nhanh chóng, buộc các cơ quan báo chí và các nhà báo phải thích ứng.

Bước sang đầu thế kỷ XXI, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự khẳng định bước nhảy vọt của thế giới về mặt công nghệ đỉnh cao - công nghệ số. Tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều tận dụng tối đa nền tảng công nghệ hiện đại để chuyển từ phương thức sản xuất truyền thống sang phương thức mới dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng số. Báo chí - truyền thông thế giới không đứng ngoài cuộc của tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập, bùng nổ truyền thông, nhất là những thành tựu vĩ đại, tiến bộ của kỷ nguyên số. Điều này đã buộc các tòa soạn báo, tạp chí in và điện tử, các đài phát thanh - truyền hình đã nhanh chóng thích ứng để chuyển mình, bước vào cuộc đua mới.

Chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Báo chí là một lĩnh vực đặc thù. Mỗi cơ quan báo chí được ví như là một đơn vị sản xuất thông tin. Sản phẩm thông tin báo chí vừa có giá trị về mặt tư tưởng, văn hóa, giáo dục…; đồng thời lại trở thành một loại hàng hóa đặc biệt, không tính được hết giá trị và giá trị sử dụng. Kỹ thuật, công nghệ số đã làm thay đổi nhanh chóng, buộc các cơ quan báo chí và các nhà báo phải thích ứng, tiếp cận nhanh với phương thức làm báo mới dựa trên nền tảng công nghệ số.

Thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng số đã tác động, chi phối, làm thay đổi đáng kể tư duy và phương thức làm báo truyền thống, chuyển nhanh sang ứng dụng mạnh mẽ kỹ thuật - công nghệ số để sáng tạo và sản xuất các sản phẩm báo chí chất lượng cao, tích hợp đa phương tiện, đa nền tảng.Sự chuyển giao giữa tư duy sản xuất cũ và mới luôn là hai mặt đối lập, đầy mâu thuẫn, tác động không nhỏ đến hiệu quả và hiệu lực của sự đổi mới hoạt động báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số.

Vạn sự khởi đầu nan, giai đoạn khởi đầu của tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí đã qua, báo chí thế giới bắt đầu bước vào chiều sâu của tiến trình chuyển đổi số. Nhiều cơ quan báo chí đã định vị được mô hình tổ chức hoạt động và đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, đặc biệt là xây dựng được đội ngũ làm báo đa năng, làm chủ kỹ thuật – công nghệ truyền thông đa phương tiện.

Nền Báo chí cách mạng Việt Nam có lịch sử 97 năm xây dựng và phát triển, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ số, đặc biệt là tiến trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí ở Việt Nam đã, đang và tiếp tục đổi mới, cải tiến, tiếp cận nhanh với phương thức làm báo mới để phát huy vai trò, chức năng là phương tiện thông tin thiết yếu, chủ lực của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.

Kết hợp nghiên cứu lý luận và thích ứng

Chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Để Báo chí cách mạng Việt Nam hòa nhịp nhanh vào dòng chảy chuyển đổi số hiện nay, Đảng và Nhà nước cần ban hành chủ trương, chính sách phù hợp để khuyến khích báo chí phát triển trong bối cảnh bùng nổ truyền thông. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được một mô hình tổ chức hoạt động cơ quan báo chí chuẩn mực cho nền Báo chí cách mạng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số. Cần phải có sự hợp tác của nhà nghiên cứu lý luận về báo chí - truyền thông, nhà báo và nhà làm chính sách để thống nhất đưa ra một mô hình chuẩn giúp các cơ quan báo chí áp dụng và phát triển theo đặc trưng riêng có. Mặt khác, các cơ quan báo chí cần có sự nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và những thành tựu vĩ đại của cuộc Cách mạng công nghệ số và sự thích ứng của lĩnh vực báo chí, từ đó xây dựng chiến lược, chiến thuật phát triển cho tòa soạn của mình. Mỗi nhà báo phải tự làm mới mình, thích ứng với kỹ năng, phương thức làm báo trong thời đại số hóa. Các cơ quan báo chí cần có chính sách đầu tư kỹ thuật - công nghệ thích hợp để đảm bảo là cơ sở, nền tảng quyết định chất lượng quản trị tòa soạn và tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí dựa trên nền tảng kỹ thuật - công nghệ số, đáp ứng nhu cầu của người dùng trong xã hội số. Các cơ sở đào tạo báo chí – truyền thông cần đổi mới, cải tiến nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, nhất là kiến thức thực tiễn về đa nền tảng, công nghệ, do đó chưa thu hút sự tuyển dụng, nguồn nhân lực của các cơ quan báo chí.

Tóm lại, thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghệ số đã thực sự là đòn bảy đổi mới phương thức sản xuất của tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Báo chí thế giới đã và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ trước “cuộc đua” chuyển đổi số. Báo chí cách mạng Việt Nam có bề dày lịch sử 79 năm xây dựng và phát triển đã và đang hòa mình vào “dòng chảy” chuyển đổi số để phát triển chuyên nghiệp, hiện đại.

Phương thức làm báo mới trên nền tảng công nghệ số

Báo chí là một lĩnh vực đặc thù. Mỗi cơ quan báo chí được ví như là một đơn vị sản xuất thông tin. Sản phẩm thông tin báo chí vừa có giá trị về mặt tư tưởng, văn hóa, giáo dục…; đồng thời lại trở thành một loại hàng hóa đặc biệt, không tính được hết giá trị và giá trị sử dụng. Kỹ thuật, công nghệ số đã làm thay đổi nhanh chóng, buộc các cơ quan báo chí và các nhà báo phải thích ứng, tiếp cận nhanh với phương thức làm báo mới dựa trên nền tảng công nghệ số.

PGS, tS. Hà Huy Phượng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

© Thời báo Tài chính Việt Nam