Báo chí là kênh hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội

08:59 | 18/06/2022 Print
(TBTCO) - Báo chí không chỉ là kênh truyền tải thông tin quan trọng mà còn là kênh hỗ trợ hiệu quả, góp phần vào việc thực thi trách nhiệm của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội. Báo chí cũng là kênh phản biện mang tính chất xây dựng, từ đó mang lại hiệu quả xây dựng cho cả hệ thống. Đây là đánh giá của đại biểu Phạm Đình Toản - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về vai trò của báo chí với hoạt động của Quốc hội.

PV: Xin ông cho biết đánh giá của mình về vai trò của báo chí trong phản ánh các thông tin từ nghị trường Quốc hội?

Đại biểu Phạm Đình Toản: Theo dõi báo chí tác nghiệp ở các hoạt động của Quốc hội thời gian qua, tôi đánh giá cao sự chủ động, tích cực, nắm bắt vấn đề rất sâu, cách đưa ra những câu hỏi thẳng thắn, trúng vấn đề, nhiều bài phỏng vấn sâu sắc, bám sát thực tế xã hội đặt ra, đáp ứng mong muốn của cử tri cũng như yêu cầu của cơ quan quản lý. Với năng lực truyền tải thông tin của mình, báo chí giúp tạo sự đồng thuận trong xã hội về các chủ trương, chính sách, cũng như tạo sự chuyển dịch trong quản trị, điều hành.

Báo chí là kênh hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội
Đại biểu Phạm Đình Toản

Đây là những tác động rất tích cực dưới giác độ nâng cao chất lượng hoạt động nghị trường ở tất cả các lĩnh vực, nâng cao chất lượng công tác điều hành của Chính phủ. Với chức năng thu thập, truyền tải thông tin, báo chí giúp chúng ta tìm ra được tiếng nói chung để vận hành, chia sẻ những quan điểm chung trong nhận thức để cùng hành động, triển khai vì mục đích, phát huy tối đa hiệu quả những quyết sách quan trọng của các cơ quan nhà nước.

PV: Với cá nhân đại biểu, báo chí đóng vai trò như thế nào trong việc thực hiện nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội?

Đại biểu Phạm Đình Toản: Ai cũng phải thừa nhận báo chí là một kênh thông tin vô cùng quan trọng, góp phần vào những việc thực thi trách nhiệm của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội.

Với tôi, báo chí luôn là nguồn cung cấp thông tin đa chiều, qua đó, soi chiếu để bổ sung những thông tin, dữ liệu còn đang thiếu. Đồng thời, báo chí cập nhật những nội dung cử tri, xã hội đang đặt ra, để cùng với góc độ tiếp cận của mình, bổ sung thêm kiến thức, thông tin để nghiên cứu và cho ý kiến vào các vấn đề xem xét được xác đáng hơn, sâu sắc hơn. Báo chí cũng là kênh phản biện mang tính chất xây dựng, từ đó mang lại hiệu quả xây dựng cho cả hệ thống. Chính vì vậy, tôi coi hoạt động báo chí không chỉ là kênh truyền tải thông tin mà còn là kênh hỗ trợ hữu ích cho hoạt động của Quốc hội.

Vấn đề còn lại là làm sao có mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa để phát huy thế mạnh của báo chí, giúp cho hoạt động Quốc hội được tăng hiệu quả, tăng sự kết nối với người dân. Theo trải nghiệm của tôi, hoạt động của đại biểu Quốc hội sẽ hiệu quả hơn nếu biết khai thác thông tin, biết kết nối và sử dụng thông tin báo chí phù hợp, đúng mục đích.

PV: Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, ngoài hai kỳ họp chính trong năm và các phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo chí còn rất ít được tiếp cận các nội dung làm việc của các ủy ban để có thể có khai thác, truyền tải thông tin từ sớm, để qua đó nhân dân, cử tri hiểu rõ hơn các hoạt động thường xuyên của các ủy ban của Quốc hội?

Đại biểu Phạm Đình Toản: Nếu ở một góc độ nào đó, báo chí chưa tiếp cận nhiều với các hoạt động của các ủy ban thì có lẽ do hai vấn đề. Thứ nhất là do sự thận trọng, do có những nhân tố mới, trong một nhiệm kỳ mới, mà tỷ lệ đại biểu mới cũng nhiều. Thứ hai là có thể công tác báo chí, công tác chuẩn bị chưa đầy đủ. Về chủ quan, tôi tin các ủy ban, các đại biểu đều ủng hộ, đều đánh giá cao vai trò và sự hỗ trợ của báo chí. Tuy nhiên, xác định được ranh giới thế nào là vừa đủ để truyền tải thông tin kịp thời, chính xác, nhanh chóng, tạo sự quan tâm đồng thuận, vừa đảm bảo tính thận trọng, tính phù hợp cũng là khó. Có thể có nơi sự thận trọng còn cao, nên thông tin chưa được tiếp cận đầy đủ.

Nhìn chung, tôi cho rằng chủ yếu vấn đề ở đây là do tính chất thông tin phải cân nhắc, bởi sẽ có những tác động nhiều mặt chưa được tính hết, trong đó có những khía cạnh khi đưa ra tiếp cận đa chiều có thể gây bất lợi trong thực hiện giai đoạn sau. Thời gian tới, cùng với sự trao đổi, chia sẻ thẳng thắn của báo chí, tôi tin rằng vấn đề này sẽ được phối hợp, khớp nối nhuần nhuyễn hơn để tìm ra điểm chung, cùng nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Quốc hội và các cơ quan báo chí.

Báo chí tác nghiệp - phỏng vấn bên hành lang Quốc hội.
Báo chí tác nghiệp - phỏng vấn bên hành lang Quốc hội.

PV: Đối với hoạt động của báo chí ở Quốc hội, có điều gì đại biểu mong muốn được cải thiện hơn?

Đại biểu Phạm Đình Toản: Tôi biết cùng với sự phát triển của xã hội, hoạt động báo chí cũng ngày càng sôi động, có sự cạnh tranh mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, hình thức và nội dung. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đưa thông tin về nghị trường, tôi mong muốn báo chí có thêm những chuyên đề sâu, đi đến tận cùng vấn đề, phân tích cặn kẽ nhiều chiều các vấn đề xã hội đặt ra, để trên cơ sở đó đại biểu phải trăn trở, suy xét kỹ lưỡng, cơ quan điều hành cũng có cơ sở để nghiên cứu, xác định nhiệm vụ, giải pháp mình có thể thực hiện. Bên cạnh phản ánh những khía cạnh thu hút dư luận, những nội dung được cho là hấp dẫn, ăn khách, nên đề cập đầy đủ, bao quát những vấn đề vĩ mô, cùng với các góc nhìn khách quan, công bằng.

Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành và đóng góp sâu sát hơn trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Sau mỗi cuộc giám sát, sẽ có nhiều vấn đề được nêu ra đi cùng với những giải pháp tổng thể. Khi đó, bên cạnh việc giám sát thực hiện của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, sự đồng hành của báo chí là rất cần thiết, hữu ích để nâng cao chất lượng công tác giám sát của Quốc hội.

Nguyên lý của báo chí là phải gần dân và truyền đạt thông tin tới người dân hoặc lấy thông tin để đưa đi, đó là ưu thế mà không phải mấy ai có được, kể cả những người như đại biểu Quốc hội. Nhân dân là tai mắt của sự giám sát và báo chí cần là kênh truyền tải thông tin, điều đó đòi hỏi năng lực, chất lượng của báo chí truyền tải thông tin trung thực, công bằng, khách quan.

PV: Mỗi ngày có hàng nghìn bài báo được đăng tải, vậy đại biểu lựa chọn các bài báo như thế nào để đọc, để phục vụ cho công việc đại biểu Quốc hội của mình?

Đại biểu Phạm Đình Toản: Đúng là hiện nay các cơ quan báo chí rất đa dạng, rộng khắp với rất nhiều sản phẩm báo chí. Chọn báo nào, bài nào để đọc phụ thuộc vào sự quan tâm, lĩnh vực hoạt động của từng đại biểu. Đầu tiên tôi sẽ xác định vấn đề nóng hiện nay là gì. Trên cơ sở đó, chủ động tìm hiểu thông tin báo chí, kết hợp giữa những nhận định, thông tin của mình đã có để nắm bắt thông tin nhanh và đầy đủ, từ đó phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ của mình. Nếu không, với số lượng sản phẩm báo chí nhiều như vậy, nếu rà soát, tìm hiểu có chủ kiến, có quan điểm thì rất khó. Chẳng hạn, khi quan tâm nhiều vấn đề tài chính, ngân sách thì trước tiên tôi sẽ tìm hiểu trên các báo chí về lĩnh vực này, như Thời báo Tài chính Việt Nam để cập nhật thông tin chuẩn xác nhất về vấn đề đó.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thời báo Tài chính Việt Nam có cách tiếp cận vấn đề theo chiều sâu, tổng thể

“Thời báo Tài chính Việt Nam là tờ báo chuyên ngành sâu, phản ánh tổng thể hoạt động tài chính quốc gia về tất cả các khía cạnh, từ phản ánh thực tiễn, đến xây dựng, ban hành chính sách, tổ chức thực hiện, phản ánh các hoạt động điều hành, tham mưu cho các quyết sách lớn của quốc gia. Là kênh cập nhật mới nhất về tình hình tài chính quốc gia bằng cả hình thức báo in, báo điện tử, bản tin truyền hình, những thông tin này rất cần cho hoạt động của Quốc hội, của đại biểu và đông đảo cử tri. Cách tiếp cận các vấn đề ở đây có chiều sâu, tổng thể, luận giải cặn kẽ, rõ nét, mang tính chất xây dựng cao, định hình giải pháp, với hàm lượng kiến thức cao, chứ không chạy theo những thông tin nóng, giật gân. Tôi mong Thời báo Tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh này, không ngừng nâng cao chất lượng cả về hình thức và nội dung”. - Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Toản

Dương An (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam