Động lực mới để kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh, bền vững

13:20 | 20/06/2022 Print
(TBTCO) - Với những điểm sáng nổi bật, đột phá, ấn tượng trong bức tranh kinh tế - xã hội vừa qua, Hà Nội đang dần hiện thực hóa nhiều mục tiêu đặt ra trong năm 2022; mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Điều này tạo tiền đề để Hà Nội mạnh mẽ vươn tới tầm cao mới, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Động lực mới để kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh, bền vững
Một góc của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TL

Sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của 5 tháng đầu năm 2022 với những con số tăng trưởng thuận lợi đã mang lại nhiều kỳ vọng cho Thủ đô hướng đến đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Đây là dấu mốc đặc biệt của thành phố sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, sản xuất, kinh doanh của TP. Hà Nội đang phục hồi mạnh mẽ. 5 tháng đầu năm, Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài đạt 312 triệu USD; thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách 2.117 tỷ đồng. Có 2.427 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 22.477 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 164.200 tỷ đồng, đạt 52,7% dự toán, bằng 127,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu phục hồi mạnh, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 6,91 tỷ USD, tăng 18,8%…

Đây là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị TP. Hà Nội đã chủ động, quyết liệt thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trên các ngành, lĩnh vực, vừa bảo đảm an sinh xã hội vừa tập trung công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Không chỉ đạt những con số ấn tượng trong phát triển kinh tế, Hà Nội còn “tỏa sáng” cùng SEA Games 31 khi vinh dự đăng cai lễ khai mạc, lễ bế mạc và tổ chức 18 môn thi đấu. Đây là lần thứ hai sau gần hai thập kỷ (kể từ năm 2003), Hà Nội lại được sống trong không khí sôi động của một kỳ SEA Games và đóng góp tích cực cho thành tích thể thao nước nhà.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là thành tích nổi bật, đột phá về cả số lượng và chất lượng của thể thao Hà Nội, đóng góp với Đoàn thể thao Việt Nam. Đồng thời, kết quả này cũng khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo định hướng, đầu tư bài bản của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về chiến lược phát triển thể dục thể thao Thủ đô, nhất là định hướng phát triển thể thao thành tích cao của Hà Nội trong nhiều năm qua theo hướng phát triển thể thao chuyên nghiệp, vươn tới đấu trường châu Á và thế giới.

Cùng với thành tích của thể thao, Thủ đô Hà Nội đã làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu về lịch sử, về văn hóa và con người Hà Nội - Việt Nam đến với du khách nước ngoài và các đoàn vận động viên quốc tế. Những ngày tháng 5, khắp các ngả đường, quận, huyện, nhà thi đấu của Hà Nội, người dân Thủ đô đang được “sống trọn từng khoảnh khắc” với sự kiện thể thao trọng đại của cả khu vực và mỗi người dân Hà Nội như những đại sứ văn hóa nhiệt tình và thân thiện.

Sẵn sàng triển khai Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô

Với mục tiêu xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội thành với ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố, nhằm tăng cường liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, TP. Hà Nội đã nghiên cứu nhiều dự án giao thông quan trọng. Trong đó là Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận TP. Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3 km); Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km).

Ngày 20/5, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua chủ trương bố trí 23.524 tỷ đồng cho dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 19.400 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 4.047 tỷ đồng. Như vậy, đến nay có thể khẳng định, TP. Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết để sau khi Quốc hội đồng ý chủ trương về vành đai 4 - vùng Thủ đô, sẽ triển khai ngay, bảo đảm chất lượng, tiến độ, nhằm tạo động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô và cả nước.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc triển khai dự án không chỉ giúp kết nối hạ tầng giao thông trong vùng Thủ đô mà còn giải quyết những bất cập về giao thông, bảo vệ các di sản văn hóa.

Bước chuyển đột phá cho Thủ đô phát triển

Ngày 5/5/2022, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 15).

Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước. Đồng thời, Hà Nội là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước"; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Nhận thức tầm quan trọng của Nghị quyết 15, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ. Theo kế hoạch, hội nghị do Thường trực Ban Bí thư triệu tập, tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Thành ủy Hà Nội, kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu của TP. Hà Nội. Thời gian tổ chức dự kiến trong tháng 6/2022, ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, đặc biệt là TP. Hà Nội, từ đó triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả nghị quyết của Bộ Chính trị./.

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.

Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới…/.

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam