Nắn dòng tín dụng: Các ngân hàng phải tự chắt chiu đồng vốn

15:09 | 21/06/2022 Print
(TBTCO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa có tín hiệu sẽ nới lỏng tỷ lệ hạn mức tín dụng (room), cho dù nhiều ngân hàng thương mại lo cạn room và luôn đề xuất việc nới room. Không những thế, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng, room vẫn còn chứ chưa hết và đây chính là thời điểm để các ngân hàng “gạn đục khơi trong”, hướng dòng vốn vào những lĩnh vực an toàn, hiệu quả.

Room vẫn còn chứ chưa hết

Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế khiến cho nhu cầu vay vốn tăng cao và kết quả tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2022 cũng cho thấy đang bước vào chu kỳ tăng tốc khá ấn tượng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến giữa năm 2022 đã đạt tới 8,16% so với đầu năm 2022 và tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ năm 2021 là 17,09% so với cùng kỳ năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 theo đó đã nhanh hơn rất nhiều so với mức 5,1% trong 6 tháng đầu năm 2021 và nhanh gấp gần 3 lần so với tốc độ 2,3% trong nửa đầu năm 2020. Tốc độ tăng trưởng tín dụng nửa đầu 2022 cũng là mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017 trở lại đây.

Nắn dòng tín dụng: Các ngân hàng phải tự chắt chiu đồng vốn
Nắn dòng tín dụng: Các ngân hàng phải tự chắt chiu đồng vốn. Ảnh: T.L
Giảm tốc tín dụng, dòng vốn có thể “hẹp cửa” với bất động sản Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Không phải tất cả lĩnh vực bất động sản bị kiểm soát tín dụng

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2022 phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Điều này đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Tuy nhiên, ở góc độ các ngân hàng thương mại, nhiều ngân hàng lo lắng sẽ sớm cạn room tín dụng, bởi room Ngân hàng Nhà nước cấp cho các ngân hàng thương mại trong năm 2022 là 14%, bằng với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế của năm 2021. Trong khi đó, qua nửa đầu năm, diễn biến tăng trưởng cho thấy nhu cầu vay vốn năm nay đã cao hơn năm trước rất nhiều.

Ngoài ra, các ngân hàng khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất theo theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ thì các ngân hàng sẽ lại càng phải cân nhắc nhiều hơn cho các nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, gói hỗ trợ lãi suất là chủ trương lớn nên dự kiến số lượng khách hàng đăng ký sẽ lớn. Do đó, để có đủ vốn đáp ứng nhu cầu vay của các khách hàng đủ điều kiện, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nới room cho các tổ chức tín dụng lớn để các ngân hàng triển khai các chính sách được thông suốt, hiệu quả.

Tuy nhiên trao đổi mới đây về vấn đề room tín dụng, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thực tế room tín dụng vẫn còn chứ chưa thể hết. Cụ thể, thực tế tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,16% tuy là khá nhanh, nhưng so với hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước cấp chung cho toàn hệ thống trong năm nay (14%) thì với phần còn lại vẫn còn khoảng gần 6% cho các ngân hàng.

Thời điểm để điều hướng dòng vốn

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thừa nhận, thực tế với diễn biến hiện nay, dù room tín dụng vẫn còn, nhưng phần còn lại cho các ngân hàng không nhiều. Theo đó, các ngân hàng sẽ phải tự xoay sở để tập trung dòng vốn vào các lĩnh vực thực sự hiệu quả, hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Theo định hướng của Ngân hàng Nhàn nước, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Nói về câu chuyện điều tiết room tín dụng, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhu cầu tăng trưởng tín dụng tăng cao cũng đặt ra nhiều vấn đề lớn trong điều hành như áp lực lạm phát tăng, cũng như “vòng xoáy” về lãi suất, về nợ xấu...

Theo đó, việc điều tiết tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã được thể hiện rất rõ trong Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước ban hành từ đầu năm, trong đó, việc cấp room với từng ngân hàng sẽ phụ thuộc vào các tiêu chí cụ thể. Các ngân hàng có mức xếp hạng cao hơn về an toàn tài chính có thể sẽ được cấp room lớn hơn, ngoài ra room cũng có thể được ưu tiên tăng thêm cho các ngân hàng tham gia xử lý các ngân hàng yêu kém.

Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước cũng luôn cảnh báo việc các ngân hàng thương mại rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro cao, những lĩnh vực đầu cơ… “Trường hợp các ngân hàng cố tình tham gia các lĩnh vực rủi ro thì Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm room của các ngân hàng này” - ông Quang cho biết.

Tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, có thể room tín dụng không hoàn toàn “đóng cứng” cho đến hết năm, bởi ngay trong định hướng đưa ra thời điểm đầu năm thì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là 14%, nhưng cũng có thể điều chỉnh theo diễn biến thực tế.

Vấn đề hiện nay đối với Ngân hàng Nhà nước là sẽ phải điều hành trên cơ sở cân đối các mục tiêu khác nhau, trong đó, một trong những vấn đề đáng quan ngại hiện tại vẫn là nguy cơ lạm phát, bởi thực tế lạm phát đã diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, tình hình tài chính tiền tệ của các quốc gia đang có rất nhiều biến động, gây áp lực đến kinh tế Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng trong những năm gần đây

Năm

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2022

Tăng trưởng tín dụng

7,9%

8,2%

9%

7,8%

7,4%

2,3%

5,1%

8,16%

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam