Quảng Ninh phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột

15:57 | 22/06/2022 Print
(TBTCO) - Chiều 22/6, tại Diễn đàn kinh tế - tài chính 2022: “Tạo đột phá, phát huy nguồn lực phát triển vùng Đông Bắc Bộ”, ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, Quảng Ninh xác định triết lý phát triển theo hướng bền vững dựa trên 3 trụ cột.
Diễn đàn Kinh tế 2022: Tạo đột phá, phát huy nguồn lực cho phát triển vùng Đông Bắc Bộ Diễn đàn “Tạo đột phá, phát huy nguồn lực cho phát triển vùng Đông Bắc Bộ” sẽ diễn ra vào ngày 22/6 Ngày 22/6, diễn ra Diễn đàn “Tạo đột phá, phát huy nguồn lực cho phát triển vùng Đông Bắc Bộ” Tìm giải pháp tạo đột phá, phát huy nguồn lực phát triển Vùng Đông Bắc Bộ

Phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh

Theo ông Bùi Văn Khắng, Quảng Ninh nằm ở vị trí địa đầu Tổ quốc, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ” với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Đó là: tỉnh duy nhất có đường biên giới cả trên bộ, trên biển và trên không. Quảng Ninh cũng là tỉnh có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, là nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Khắng, Quảng Ninh cũng phải đối diện với không ít thách thức, đó là: mâu thuẫn giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn. Ngoài ra, thách thức giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao; giữa phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống; giữa tăng trưởng nhanh đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Quảng Ninh phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột
Ông Bùi Văn Khắng: Quảng Ninh phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột. Ảnh: Hồng Vân.

Về tầm nhìn, chiến lược phát triển, vị Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh xác định triết lý phát triển đó là tích cực chuyển đổi phương thức phát triển theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trên cơ sở đó đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nền hành chính hiện đại; bảo đảm phát triển bền vững dựa vào lợi thế khác biệt về dịch vụ, du lịch, văn hóa, công nghiệp giải trí và công nghiệp sáng tạo.

Trên cơ sở tuân thủ và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành cấp quốc gia và quy hoạch cấp vùng, tỉnh Quảng Ninh xây dựng và thực hiện các mục tiêu, định hướng trong giai đoạn 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở 5 quan điểm phát triển sau: phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia. Phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có; tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...

Ngoài ra, Quảng Ninh phấn đấu tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP 2021-2030 là 10%/năm

Theo ông Bùi Văn Khắng, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…

Quảng Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP 2021-2030 là 10%/năm; GRDP bình quân đầu người 19.000 - 20.000 USD; thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); Chỉ số chuyển đổi số (DTI).

Quảng Ninh phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột
Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển. Ảnh: TL.

“Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển” - ông Bùi Văn Khắng nói.

Trong thời gian tới, trên cơ sở định hướng Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xác định kinh tế cảng biển là khâu đột phá, là động lực để xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, động lực phát triển của vùng và cả nước. Trong đó, ngoài những nhiệm vụ giải pháp đồng bộ, Quảng Ninh xác định nhiệm vụ đột phá, then chốt là xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển và nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển.

“Bên cạnh những kết quả đã đạt được trên cơ sở thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", Quảng Ninh đã luôn chủ động nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới và xác định mở rộng liên kết, hợp tác trong khuôn khổ các tỉnh trong vùng, các vùng trong nước và hợp tác quốc tế để tìm ra những hướng đi mới, động lực mới nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế xã hội trong thời gian tới” - ông Bùi Văn Khắng cho hay./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam