Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn bằng việc thu gom, tái chế rác thải nhựa

17:17 | 22/06/2022 Print
(TBTCO) - Việc thu gom, tái chế rác thải nhựa đúng cách sẽ thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, một mô hình kinh tế bảo đảm sự phát triển bền vững và tối ưu được các lợi thế cũng như sự tác động, hỗ trợ qua lại lẫn nhau của các yếu tố trong nền kinh tế.

Doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm tái chế

Ngày 22/6, tại Bình Định, Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng và PepsiCo Vietnam phối hợp tổ chức hội thảo “Tăng cường thu gom, tái chế rác thải nhựa nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn bằng việc thu gom, tái chế rác thải nhựa
Diễn giả trình bày các quy định về tái chế, xử lý rác thải trong Luật Bảo vệ môi trường. Ảnh: CED

Hội thảo là một trong những hoạt động của dự án “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa" được tài trợ bởi Quỹ PepsiCo thông qua Tổ chức Give2Asia, do Trung tâm Giáo dục và phát triển (CED) phối hợp với các đối tác tại Việt Nam thực hiện từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2022. Một trong các mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao nhận thức đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong việc quản lý và xử lý rác thải nhựa để tìm kiếm các giải pháp đổi mới, hướng tới sản xuất và kinh doanh bền vững thông qua áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động thu gom, tái chế, nhằm tăng tỷ lệ tái chế rác thải nhựa, phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, hội thảo đã giới thiệu các quy định cụ thể và yêu cầu mới về “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)” đối với doanh nghiệp và lộ trình thực hiện của quy định này cũng như tính sẵn sàng đón nhận của doanh nghiệp Việt Nam về EPR; nhận thức, thực tiễn hiện nay và những kế hoạch cụ thể của các doanh nghiệp để thực thi EPR.

Để thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững thì EPR là một trong những công cụ có mối quan hệ mật thiết và cũng là một động lực để thúc đẩy và duy trì nền kinh tế tuần hoàn. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu được quy định cụ thể tại Điều 54, Điều 55. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn 1 trong 4 hình thức: tự mình thực hiện tái chế; thuê các đơn vị có chức năng tái chế; liên kết với nhau thành lập tổ chức đại diện thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất để tổ chức hoạt động tái chế; đóng góp kinh phí cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để tổ chức tái chế.

Theo quy định về lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế phải thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì từ ngày 1/1/2024. Nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện, điện tử thực hiện tái chế từ ngày 1/1/2025. Nhà sản xuất, nhập khẩu các phương tiện giao thông phải thực hiện tái chế từ ngày 1/1/2027.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Jirawat Poomsrikaew - Giám đốc PepsiCo khu vực Đông Dương, cho biết: “Chúng tôi dự kiến đưa ra bao bì sản phẩm bền vững hơn trong toàn chuỗi giá trị và giảm sử dụng nhựa nguyên sinh trong mỗi sản phẩm xuống mức 50% trong toàn bộ sản phẩm đồ uống và nước giải khát vào năm 2030. Chúng tôi sẽ đạt được điều này bằng cách sử dụng 50% vật liệu có thể tái chế trong bao bì và mở rộng mô hình kinh doanh, tránh hoặc hạn chế nhựa dùng 1 lần như SodaStream, bên cạnh các công cụ đòn bẩy khác”.

Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”

Ông Nguyễn Thi - chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, EPR là một công cụ kinh tế và được xem là một cách tiếp cận mới nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chất thải bằng việc thúc đẩy sự thay đổi thiết kế sản phẩm, bao bì; mở rộng khả năng sử dụng nguyên nhiên vật liệu thân thiện với môi trường; đồng thời cũng hướng tới việc tìm kiếm giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải, giúp Chính phủ đạt được mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế hay phí môi trường.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên Môi trường, doanh nghiệp, chuyên gia cũng đã chia sẻ với các doanh nghiệp nhiều nội dung liên quan đến các giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải, tăng cường tái chế, nhằm đạt được mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế hay phí môi trường và chi phí, lợi ích của EPR giúp DN có động lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong các hoạt động sản xuất.

Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI, Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, EPR là một chính sách môi trường dựa trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. EPR khuyến khích người sản xuất cân nhắc đến vấn đề môi trường ngay từ khi có ý tưởng đến thiết kế, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nội hóa chi phí quản lý chất thải vào trong chi phí sản phẩm. ERP cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chú trọng sản xuất kinh doanh gắn với bảo về môi trường, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường liên kết, tái chế chất thải góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển.

Về mặt môi trường, việc thu gom, tái chế hoặc chuyển đổi các vật liệu này sang các dạng khác có vòng đời dài hơn sẽ giảm thiểu sự tồn tại của các vật liệu này trong môi trường sống, giảm được tác động tiêu cực của các vật liệu này lên môi trường, các loài động thực vật và hệ sinh thái. Ngoài ra việc thu gom, tái chế rác thải đúng cách còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội. Việc thu gom, tái chế đúng cách sẽ thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, một mô hình kinh tế bảo đảm sự phát triển bền vững và tối ưu được các lợi thế cũng như sự tác động, hỗ trợ qua lại lẫn nhau của các yếu tố trong nền kinh tế.

Ông Nguyễn Thi cho biết thêm, EPR là một trong những giai đoạn quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn; nhưng EPR lại có tác động đến toàn bộ các khâu của mô hình kinh tế tuần hoàn từ việc thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm, kéo dài vòng đời sản phẩm, tái sử dụng, tái chế sản phẩm; qua đó tạo ra lợi ích kinh tế thông qua việc tăng cường năng lực của thị trường tái chế, tạo việc làm. Như vậy, EPR sẽ tác động, thay đổi thói quen sản xuất, tiêu dùng theo chiều hướng tích cực, có lợi cho môi trường, kinh tế và xã hội. Trong quá trình thực hiện EPR, nhà nước đóng vai trò là người giám sát, doanh nghiệp là người vận hành, xã hội là người đồng hành./.

Hà My

© Thời báo Tài chính Việt Nam