Nền kinh tế thế giới trong tình trạng báo động

08:39 | 10/02/2015 Print
Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, có ít nhất 12 ngân hàng trung ương đã thực hiện biện pháp cắt giảm lãi suất, tức là trung bình cứ mỗi 3 ngày, lại có thêm 1 quốc gia mới phải điều chỉnh tỷ giá. Điều này báo hiệu nền kinh tế toàn cầu hiện nay đang cực kỳ mong manh.

12 Quốc gia cắt giảm lãi suất từ đầu năm đến nay - Ảnh: CNN Money

12 quốc gia cắt giảm lãi suất từ đầu năm đến nay. Ảnh: CNN Money

Động thái làm suy yếu đồng nội tệ đang xảy ra ở cả các nước phát triển lẫn các quốc gia mới nổi. Australia là nước mới đây nhất vừa cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, nối tiếp động thái của Canada, Thụy Sỹ, Nga, Ấn Độ và nhiều nước khác tính từ đầu năm mới.

Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – hôm 4/2 vừa qua cũng đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng trong nước thêm 50 điểm cơ bản xuống còn 19,5%. Nước này cũng chỉ mới hạ lãi suất và nới lỏng các giới hạn cho vay hồi cuối tháng 11/2014.

Có đến 7 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ. Mỹ và Anh vẫn thể hiện quan điểm trung lập. Chỉ có duy nhất Brazil đang thắt chặt đồng nội tệ.

Rõ ràng, các ngân hàng trung ương phải có phản ứng, khi mà mục tiêu tăng trưởng liên tục bị yếu đi. Các mối nguy từ nạn giảm phát, hoặc lạm phát thấp đã buộc họ phải khẩn trương hành động ngay từ đầu năm.

Dự kiến trong tháng tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ khởi động chương trình mua trái phiếu “khổng lồ” trị giá ít nhất 1,3 nghìn tỷ USD để đối phó với nạn giá cả giảm. Các nhà chiến lược ở ngân hàng Bank of America - Merrill Lynch tại Mỹ đánh giá: “Lạm phát đang giảm nhanh trên quy mô toàn cầu. Các ngân hàng TW dường như đang quan sát nhau và liên tục đưa ra chính sách nới lỏng tiền tệ, điều mà ngay cả những nhà phân tích bi quan nhất cũng không thể ngờ đến”.

Nhìn chung, việc cắt giảm lãi suất và các chính sách về tiền tệ có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và tăng lạm phát bằng cách khuyến khích ngân hàng cho vay, đồng thời giúp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Nhưng vấn đề là ở chỗ, nếu tất cả đều cố gắng giải quyết nạn giảm phát bằng cách làm suy yếu đồng nội tệ, cuối cùng sẽ chẳng ai có lợi. Ngoài ra, chính sách này còn ảnh hưởng đến Mỹ, nền kinh tế lớn duy nhất có kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay.

Sau khi đạt mức tăng trưởng hết sức ấn tượng 5% trong quý III/2014, kinh tế Mỹ đã được hạ nhiệt vào cuối năm. Kết quả là con số này trong quý IV là 2,4%, thấp hơn so với kỳ vọng. Nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo rằng, việc đồng USD quá mạnh sẽ đe dọa nghiêm trọng hàng xuất khẩu của Mỹ, cũng như hoạt động của các công ty Mỹ tại nước ngoài.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew mới đây đánh giá rằng, chỉ một nền kinh tế Mỹ không thể kéo phần còn lại của thế giới ra khỏi vũng lầy: "Trong khi sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, các quốc gia khác chưa thể hiện rõ một tiến triển nào. Chúng tôi phải đi đầu làm gương, song chúng tôi không thể làm điều đó một mình"./.

Ngọc Vũ (theo CNN Money)

Ngọc Vũ (theo CNN Money)

© Thời báo Tài chính Việt Nam