10 phương tiện quân sự đắt tiền nhất thế giới

18:07 | 08/02/2015 Print
Dường như cuộc khủng hoảng kinh tế những năm qua không hề khiến các siêu cường “chùn tay” trong cuộc chạy đua vũ trang tốn kém. Những tàu sân bay, tàu ngầm nguyên tử và cả máy bay tàng hình trị giá hàng tỷ USD là minh chứng cho sức mạnh quân sự vượt trội của những quốc gia sở hữu chúng.

Dưới đây là danh sách 10 phương tiện quân sự hiện đại đắt tiền nhất trên thế giới hiện nay.

1- Tàu sân bay USS Gerald Ford: 13 tỷ USD

1- Tàu sân bay USS Gerald Ford: 13 tỷ USD

Siêu hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân Gerald Ford là tàu sân bay to nhất, đắt nhất và hiện đại nhất thế giới của Hải quân Hoa Kỳ.

Tàu có lượng giãn nước tới 100.000 tấn, dài 337 mét, rộng 78 mét, có thể chở được 4.660 thủy thủ, vận tốc tối đa 56 km/h. Tàu được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân A1B mới, cho tầm hoạt động không giới hạn. Gerald Ford mang được tới 90 máy bay các loại, gồm: tiêm kích tàng hình siêu thanh F-35C, máy bay phản lực “ong bắp cày” F/A-18E/F, máy bay trinh sát “mắt diều hâu” E-2D, máy bay tác chiến điện tử EA-18G, trực thăng đa nhiệm “ưng biển” MH-60R/S và cả máy bay không người lái trinh sát/chiến đấu.

Vũ trang trên tàu có tên lửa đối không tầm trung RIM-162 ESSM, tên lửa tầm ngắn RIM-116 và tổ hợp pháo phòng thủ tầm gần Phalanx CIWS.

2- Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth: 9,3 tỷ USD

2- Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth: 9,3 tỷ USD

Hàng không mẫu hạm lớn nhất châu Âu Queen Elizabeth là niềm tự hào của hải quân Hoàng gia Anh. Tàu có lượng giãn nước tới 70.600 tấn, dài 280 mét, rộng 73 mét, đạt tốc độ 46 km/h, chở được 1600 quân nhân với tầm hoạt động xa 19.000 km.

Không chỉ có kích cỡ cực lớn, tàu chỉ huy của hải quân Anh quốc còn được trang bị vũ trang cực mạnh, mang được tổ hợp 40 máy bay các loại, bao gồm: máy bay tàng hình hạ cất cánh thẳng đứng F-35B Lightning II, “quái vật không trung” trực thăng vận tải hạng nặng Chinook, trực thăng tấn công Apache AH-64D, trực thăng săn tàu ngầm Merlin AW101 và trực thăng diệt hạm “mèo hoang” AW159 Lynx Wildcat.

Vũ khí phòng thủ của tàu là 3 tổ hợp pháo tầm gần Phalanx CIWS, các khẩu thần công tự động DS30M Mk2 và hệ thống súng máy "hỏa thần" 6 nòng M134.

3- Tàu khu trục lớp Zumwalt DDG-1000: 7 tỷ USD

3- Tàu khu trục lớp Zumwalt DDG-1000: 7 tỷ USD

Đây là siêu khu trục hạm tàng hình lớn nhất, hiện đại nhất của hải quân Mỹ. DDG-1000 có lượng giãn nước 14.564 tấn, dài 180 mét, rộng 24,5 mét, đạt tốc độ 56 km/h, có khả năng tàng hình cao do vỏ tàu được sơn một lớp chống bức xạ sóng radar. Phần mũi tàu khác hẳn với truyền thống, được thiết kế rất thấp và xuôi về sau thay vì hướng về phía trước.

Tàu được trang bị 2 tháp pháo AGS 155mm, đạn pháo điều khiển tầm xa LRLAP đạt tầm bắn tới 154km, 20 bệ phóng thẳng đứng MK 57 (tổng cộng 80 ống phóng) chứa: tên lửa hành trình đối đất tầm xa Tomahawk, tên lửa đối không tầm trung RIM-162 ESSM và tên lửa chống tàu ngầm ASROC. Tàu còn mang theo 1 trực thăng đa năng “diều hâu biển” SH-60 và 3 máy bay không người lái MQ-8.

4- Tàu ngầm nguyên tử HMS Astute: 5,5 tỷ USD

4- Tàu ngầm nguyên tử HMS Astute: 5,5 tỷ USD

Không chỉ Mỹ hay Nga mới sở hữu tàu ngầm hạt nhân hiện đại. Tháng 5/2014, lực lượng hải quân Vương Quốc Anh đã chính thức sử dụng tàu ngầm hạt nhân lớp Astute trang bị hệ thống quan sát hình ảnh HD truyền bằng sợi cáp quang thay cho kính tiềm vọng truyền thống. Hệ thống định vị thủy âm Sonar 2076 có thể phát hiện mục tiêu cách 3.000 hải lý (5.500 km).

Astute có độ choán nước 7.400 tấn, chiều dài 97 mét, rộng 11 mét, sử dụng lò phản ứng hạt nhân Rolls-Royce PWR2 cho phép tàu đạt vận tốc 54 km/h khi lặn dưới đại dương và hoạt động liên tục suốt 25 năm.

Astute sở hữu 6 ống phóng ngư lôi 533 mm cùng khoang chứa 38 tên lửa hành trình Tomahawk IV và thủy lôi hạng nặng Spearfish có khả năng chống ngầm cũng như tấn công bất cứ mục tiêu nào trên đất liền.

5- Tàu sân bay Charles de Gaulle: 4 tỷ USD

5- Tàu sân bay Charles de Gaulle: 4 tỷ USD

Đây là hàng không mẫu hạm lớn nhất châu Âu đang làm nhiệu vụ, thuộc lực lượng hải quân Pháp. Tàu có lượng giãn nước 42.000 tấn, dài 262 mét, rộng 65 mét, có 2 lò phản ứng hạt nhân K15 công suất 30MW. Tầm hoạt động của tàu là vô hạn, năng lượng đủ để hoạt động liên tục 20-25 năm, tốc độ tối đa 50km/h.

Tàu mang được 40 máy bay các loại: tiêm kích Rafale M, cường kích Super Etendard, máy bay trinh sát “mắt diều hâu” E-2C, trực thăng đa năng “cá heo” Dauphin AS365, trực thăng quân sự Caracal EC725 và Cougar AS532. Hệ thống phòng thủ có 32 tên lửa phòng không tầm ngắn - trung Aster 15, 12 tên lửa phòng không tầm thấp Mistral và 8 pháo bắn nhanh Giat 20F2 20mm.

6- Tàu sân bay đổ bộ USS America: 3,4 tỷ USD

6- Tàu sân bay đổ bộ USS America: 3,4 tỷ USD

Tàu đổ bộ vạn năng USS America (LHA-6) mới chính thức được Thủy quân lục chiến Mỹ đưa vào sử dụng tháng 10 vừa qua. USS America phát triển trên cơ sở tàu sân bay đổ bộ lớp Wasp và có chiều dài 258 mét, rộng 33 mét, lượng giãn nước 45.700 tấn, thủy thủ đoàn 1.060 người, tốc độ 42 km/h.

Tàu chở được đồng thời 12 trực thăng cánh xoay “ưng biển” MV-22B, 6 máy bay tàng hình hạ cất cánh thẳng đứng F-35B, 4 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53K, 7 trực thăng tấn công “rắn hổ mang” AH-1Z, và 2 trực thăng đa nhiệm “diều hâu” MH-60S. Những vũ khí chủ yếu là 2 bệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn RAM, 2 bệ phóng tên lửa ESSM, 7 súng máy nòng đôi đạn 50BMG tiêu chuẩn NATO, và 2 tổ hợp pháo phòng thủ tầm gần Phalanx CIWS.

7- Tàu ngầm nguyên tử lớp Virginia: 2,5 tỷ USD

7- Tàu ngầm nguyên tử lớp Virginia: 2,5 tỷ USD

Virginia (Mỹ) là tàu ngầm đầu tiên trên thế giới được trang bị thiết bị quan sát lượng tử ánh sáng AN/BVS-1 thay cho kính tiềm vọng truyền thống. Đây cũng là tàu ngầm đầu tiên điều khiển theo công nghệ "fly-by-wire" sợi quang thông qua thanh điều khiển HOSTA tương tự như lái máy bay chiến đấu.

Virginia có lượng giãn nước khi lặn 7.900 tấn, tốc độ tối đa 48 km/h. Do được trang bị động cơ hạt nhân, tầm hoạt động của tàu là vô hạn, di chuyển đến được mọi nơi trên thế giới. Vũ khí bao gồm 12 ống phóng thẳng đứng VLS sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk, 4 ống phóng ngư lôi 533 mm.

8- Tàu sân bay Liêu Ninh: 2,4 tỷ USD

8- Tàu sân bay Liêu Ninh: 2,4 tỷ USD

Đây là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, được tân trang từ chiến hạm Varyag thuộc lớp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Liên Xô. Sau khi mua lại từ Ukraina năm 1998, tàu được vận chuyển về cảng Đại Liên để tân trang, sau đó bàn giao cho hải quân Trung Quốc tháng 9/2012.

Tàu Liêu Ninh dài 305 mét, rộng 38 mét, lượng giãn nước 58.500 tấn và đạt tốc độ 60 km/h. Hệ thống vũ khí đáng chú ý là 3 bệ pháo phòng không cao tốc tầm gần Type 1030 CIWS (10 nòng cỡ 30mm), 3 bệ phóng tên lửa phòng không tầm thấp HQ-10 (18 ống) và 2 bệ rocket chống ngầm. Tàu có thể chở được 24 chiếc tiêm kích J-15 và 12 máy bay trực thăng chiến đấu.

9- Máy bay ném bom B-2 Spirit Stealth: 2,4 tỷ USD

9- Máy bay ném bom B-2 Spirit Stealth: 2,4 tỷ USD

“Con dơi khổng lồ” này là loại máy bay quân sự đắt nhất thế giới, được mệnh danh là “Bóng ma trên bầu trời” bởi khả năng tàng hình và tốc độ siêu thanh. Một chiếc B-2 Spirit có thể chở đến 23 tấn vũ khí, gồm 16 quả bom nguyên tử B61/B83, cùng một loạt vũ khí hạng nặng khác.

Chiến đấu cơ này có thể bay liên tục hơn 6.000 hải lý (10.800 km), hiện được sử dụng trong chiến tranh của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Công nghệ hiện đại cho phép B-2 Spirit có khả năng tàng hình đối với radar, hồng ngoại và các thiết bị rà soát bầu trời khác.

10- Tàu sân bay INS Vikramaditya: 2,35 tỷ USD

9- Máy bay ném bom B-2 Spirit Stealth: 2,4 tỷ USD

INS Vikramaditya là hàng không mẫu hạm lớn nhất và mới nhất của Ấn Độ. Đây vốn là tàu khu trục Đô đốc Gorshkov của Liên Xô, được Ấn Độ ví như một “con voi trắng” bởi giá thành tân trang Ấn Độ phải trả cho Nga lên đến 2,35 tỷ USD.

INS Vikramaditya có tầm hoạt động 25.000 km, lượng giãn nước 44.500 tấn, dài 284 mét, rộng 61 mét. Tàu mang được 30 máy bay chiến đấu các loại: gồm 20 tiêm kích hạm MiG-29K và 10 chiếc trực thăng hỗn hợp gồm chống ngầm Ka-28, cảnh báo sớm Ka-31 và phi đội HAL Dhruv./.

Ngọc Vũ (theo The Richest / Military.com)

Ngọc Vũ (theo The Richest / Military.com)

© Thời báo Tài chính Việt Nam