Đã đến lúc xem xét thay thế "room tín dụng" bằng giải pháp có tính thị trường hơn

08:23 | 24/06/2022 Print
(TBTCO) - Trong bối cảnh gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng bắt đầu được triển khai khẩn trương, nhiều ngân hàng hiện nay lại rơi vào tình trạng là hết “room” cho vay. Một số chuyên gia cho rằng, tới đây nên bỏ cách quản lý theo kiểu hành chính này, thay thế bằng một công cụ điều hành có tính thị trường và gần với thông lệ quốc tế hơn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Cấp hạn mức tín dụng là biện pháp điều hành hiệu quả Kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước nới thêm hạn mức tín dụng vào hai quý cuối năm Mặt bằng lãi suất sẽ ở mức thấp nhờ hạn mức tín dụng được nớ]

Xem xét giải pháp mới phù hợp hơn

Theo PGS.TS. Đặng Ngọc Đức - nguyên Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân, việc sử dụng công cụ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại dựa trên 3 lý do cơ bản: hạn chế tình trạng tăng trưởng tín dụng quá cao, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao; đồng thời tăng trưởng tín dụng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nóng; để phân biệt các ngân hàng thương mại hoạt động kinh doanh an toàn và các ngân hàng thương mại có mức độ rủi ro cao hơn; kiểm soát cơ cấu đầu tư vốn trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở các nước kinh tế thị trường phát triển, hạn mức tín dụng được áp dụng thông qua các hình thức mang tính kinh tế và mềm dẻo hơn như “cửa sổ chiết khấu” (discount windows) hay công cụ tái chiết khấu. Khi muốn hạn chế tăng trưởng tín dụng, ngân hàng trung ương sẽ thu hẹp “cửa sổ chiết khấu”, trong khi muốn điều tiết cơ cấu các luồng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản, hay thị trường chứng khoán trong nền kinh tế, thì công cụ lãi suất và các chính sách tác động đến thu nhập sẽ được sử dụng. Nói một cách khác, các nước kinh tế thị trường phát triển luôn ưu tiên cho các công cụ gián tiếp hơn là sử dụng hạn mức tín dụng, vốn là một công cụ mang tính hành chính và trực tiếp.

Đối với thị trường Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, hạn mức tín dụng hàng năm là một biện pháp hành chính tuy không hoàn toàn như mong muốn của các tổ chức tín dụng, nhưng là biện pháp cần thiết nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp để đảm bảo vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát rủi ro, kiểm soát nợ xấu và lạm phát giữ ổn định vĩ mô.

Song, sau hơn 10 năm triển khai, TS. Cấn Văn Lực cho rằng đã đến lúc cần rà soát, xem xét lại xem có nên tiếp tục dùng nữa hay không; đồng thời cần có một cái giải pháp hay công cụ điều hành căn cơ hơn, có tính thị trường hơn và thông lệ quốc tế hơn.

“Chúng tôi cho rằng chỉ nên sử dụng công cụ này trong khoảng 1 - 2 năm nữa. Năm tới có thể chúng ta sẽ bàn đến việc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng. Khi đó, sẽ xem xét giải pháp mới phù hợp với công cụ thị trường hơn và theo thông lệ quốc tế hơn” - vị chuyên gia cho biết.

Khó đảm bảo công bằng, minh bạch trong cấp hạn mức tín dụng

Cho rằng công cụ hạn mức tín dụng hiện nay rất hành chính, cứng nhắc, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức nhấn mạnh, vấn đề là cơ chế xây dựng và quản lý việc chấp hành chính sách hạn mức tín dụng chưa và rất khó có thể đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch.

“Việc xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng thì có căn cứ, cơ sở từ mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác, song việc phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại hàng năm hiện nay chủ yếu dựa vào xếp hạng ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, ngoài lịch sử về mức độ rủi ro tín dụng, chưa có hệ thống các chỉ tiêu rõ ràng, khoa học để phân bổ. Nói một cách khác, việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm hiện nay chưa và rất khó đảm bảo sự công bằng, minh bạch” - chuyên gia Đặng Ngọc Đức phân tích.

Do đó, PGS.TS Đặng Ngọc Đức đề nghị nên bỏ hạn mức tín dụng để các ngân hàng thương mại tự chủ, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động kinh doanh, bao gồm cả lợi nhuận và rủi ro. Quy mô hoạt động của các ngân hàng đã được kiểm soát bởi các chỉ tiêu như quy mô vốn chủ sở hữu, hệ số đầy đủ vốn, cũng như các chỉ tiêu an toàn khác, kết hợp với hoạt động thanh tra và giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Việc bỏ công cụ phân bổ hạn mức tín dụng, theo vị chuyên gia này, sẽ hạn chế tình trạng điều hành “giật cục”, đồng thời tạo động lực thúc đẩy năng lực tối đa của các ngân hàng thương mại mà vẫn đảm bảo sự an toàn trong hoạt động kinh doanh và xây dựng nền tảng khách hàng cốt lõi một cách ổn định.

Để thay thế công cụ room tín dụng, TS. Cấn Văn Lực đề nghị xem xét theo hướng quản lý chặt chẽ Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và theo chuẩn mực của Basel II. Bởi khi quản lý hệ số CAR sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát được cả phần tử số là vốn chủ sở hữu tăng lên như thế nào và mẫu số (tăng trưởng tín dụng và đầu tư) ra sao.

“Đây cũng là biện pháp mà ngân hàng trung ương các nước thường làm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, với ngân hàng có mức độ rủi ro cao hơn, họ sẽ yêu cầu ngân hàng đó phải tăng đệm rủi ro lên - tức là phải tăng hệ số CAR; còn ngân hàng nào ở mức độ ít rủi ro hơn, lành mạnh hơn thì CAR theo yêu cầu có thể ở mức độ thấp hơn” - TS Cấn Văn Lực cho hay./.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam