Nội tại vĩ mô ổn định tạo điều kiện tốt cho thị trường chứng khoán

10:55 | 24/06/2022 Print
(TBTCO) - Các chuyên gia cho rằng nội tại vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì ổn định và vẫn đang hỗ trợ tích cực cho thị trường. Tuy nhiên chỉ số VN-Index vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi các tin tức trên thế giới và đang trong giai đoạn tương đối rủi ro. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang chịu áp lực đến từ tình trạng lạm phát tăng cao và áp lực của xu hướng tăng lãi suất trên toàn thế giới, cùng với việc Trung Quốc tiếp tục đóng cửa gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đà tăng trưởng của doanh nghiệp được duy trì

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Nhất Việt (Viet First Securities) đánh giá nền sản xuất Việt Nam trong gần nửa đầu năm 2022 vẫn đang được mở rộng. Rủi ro về lạm phát tuy có hiện hữu nhưng chưa quá rõ rệt, do đó Ngân hàng Nhà nước có thể chưa cần phải sử dụng các biện pháp kiềm chế lạm phát quá mạnh tay.

Theo đánh giá của Viet First Securities, dòng tiền vẫn tiếp tục được bơm ra, tuy nhiên vấn đề nhập khẩu lạm phát từ thế giới có thể sẽ khiến cho Ngân hàng Nhà nước thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ mở rộng. Đặc biệt, lợi suất trái phiếu tiếp tục duy trì ở vùng cao, phản ánh sự rủi ro của thị trường tài chính hiện tại khi mà rủi ro lạm phát vẫn chực chờ cũng như sự thay đổi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tạo ra các biến động khó lường. Đồng thời, tỷ giá trung tâm vẫn giữ ở mức nền cao sẽ gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.

Nguồn: Viet Firt Securities
Nguồn: Viet Firt Securities

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Dầu Khí (PSI) đánh giá, triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối 2022 có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% - 6,5% nhờ hoạt động xuất khẩu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế với đầu tàu là các doanh nghiệp FDI.

Đặc biệt, PSI kỳ vọng đẩy nhanh gói hỗ trợ kinh tế xã hội trị giá 350.000 tỷ đồng sẽ thúc đẩy cho nhiều ngành kinh tế trọng yếu và đầu tư công sẽ là động lực cho tăng trưởng bên cạnh tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của PSI cũng chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn đến từ lạm phát khi giá dầu thô và nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào neo cao do nguồn cung khan hiếm và gián đoạn từ phía Trung Quốc. Dù vậy, PSI vẫn đưa ra dự báo CPI của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trên 5% và lãi suất điều hành có thể sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối 2022.

Bên cạnh đó, rủi ro cũng tiềm ẩn từ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng gia tăng và gói chính sách tài khóa tiếp tục không đạt tiến độ giải ngân. Nhất là khi lạm phát tăng cao, tiến độ giải ngân không được đẩy nhanh sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Nhóm ngành "phòng thủ" được chú ý

Đưa ra luận điểm đầu tư trong nửa cuối năm 2022, Viet First Securities đưa ra các xu hướng chính và mức độ tác động đến những nhóm ngành liên quan. Theo đó, xu hướng phục hồi sản xuất và tiêu dùng khi các hạn chế giãn cách xã hội được gỡ bỏ và nhu cầu sau khi bị nén thời gian dài sẽ có cơ hội bung ra, nhờ vậy sẽ tạo dư địa tốt cho nhóm bán lẻ, du lịch, năng lượng tăng trưởng. Đặc biệt, các doanh nghiệp thuộc nhóm phòng thủ như ngành năng lượng và tiêu dùng với đặc tính thiết yếu, ít biến động so với chu kỳ kinh tế và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát.

Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Phân tích của VNDirect cho rằng, mặc dù thị trường biến động không mấy tích cực nhưng từ đầu năm tới nay, các nhóm cổ phiếu có mức giảm thấp hơn hoặc đi ngang so với VN-Index bao gồm nhóm bảo hiểm, nhóm vận tải hay nhóm điện nước, phân phối khí gas, nhóm bán lẻ và nhóm công nghệ… Đây là nhóm cổ phiếu có tính chất phòng thủ. Nhóm thứ hai là nhóm được hưởng lợi từ việc nền kinh tế bình thường trở lại sau đại dịch, đó là nhóm bán lẻ hoặc là nhóm vận tải. Thứ ba là nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có đà tăng ấn tượng trong nửa đầu năm, khác với hai nhóm kia, nhóm dầu khí lại phụ thuộc vào diễn biến giá dầu đang có sự tăng trưởng khá tích cực trong 5 tháng vừa qua.

Hai kịch bản cho chỉ số VN-Index 6 tháng cuối năm

Xây dựng kịch bản cho thị trường trong thời gian tới, Viet First Securities đưa ra mốc 1.150 điểm là ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho thị trường. Cụ thể, nếu điều kiện là lạm phát Mỹ tạo đỉnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sử dụng các biện pháp thắt chặt dần chính sách và không tạo ra tăng sốc lãi suất sẽ có những tác động tích cực với thị trường Mỹ và ảnh hưởng tốt tới Việt Nam. Từ đây, chỉ số VN-Index có thể tạo đáy ở vùng 1.150 điểm. Trong kịch bản kém tích cực hơn, VN-Index có thể đi xuống dưới ngưỡng 1.150 điểm nếu bối cảnh lạm phát tiếp tục xấu đi khiến FED tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát, dẫn tới những tác động tiêu cực đến thị trường thế giới và cả thị trường Việt Nam.

Theo bà Hiền, cổ phiếu phòng thủ là những cổ phiếu hoạt động trong những lĩnh vực mà trong bất cứ chu kỳ kinh tế lên hay xuống, sẽ ít chịu biến động nhất. Tuy nhiên những doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó đòi hỏi phải có một mô hình kinh doanh ổn định, có nghĩa họ đã đi qua giai đoạn mở rộng và tạo ra được dòng tiền, lợi nhuận cũng như cổ tức đều đặn hàng năm ổn định.

Bà Hiền đánh giá 6 tháng cuối năm sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Những nhóm ngành như dầu khí có thể vẫn neo ở mức cao, nhưng những nhóm ngành như phân bón, thép, hay các loại nguyên vật liệu như ngô, gạo hoặc dầu ăn… sẽ có xu hướng chững lại trong 6 tháng cuối năm. Những nhóm được hưởng lợi rất nhiều giai đoạn trước, như phân bón hay thép cũng khó duy trì một mức tăng trưởng ấn tượng như trước.

Còn ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, trong thời điểm thị trường giảm, điều quan trọng nhất để tránh thiệt hại đến các khoản đầu tư dài hạn là các nhà đầu tư nên hạn chế duy trì tỷ trọng margin cao. Đồng thời, các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ các nhóm cổ phiếu tăng trưởng theo đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam