Khi các rủi ro ngoại biên tạm lắng, quỹ đạo tăng của chứng khoán sẽ quay lại

08:11 | 25/06/2022 Print
(TBTCO) - Chứng khoán vốn là thị trường kỳ vọng của tương lai. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn hiện đang chịu nhiều tác động tiêu cực của các yếu tố ngoại biên, chứ không đến từ tiềm lực nội tại của nền kinh tế. Do vậy, khi các yếu tố tiêu cực này qua đi, thị trường chứng khoán sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có.

Đây là nhận định về diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn hiện nay của ông Thái Hữu Công - Chuyên gia phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa ông, sau đợt hồi phục tích cực từ trung tuần tháng 5 đến đầu tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam những phiên gần đây quay lại xu thế giảm. Ông đánh giá thế nào về thị trường trong giai đoạn hiện nay? Đâu nguyên nhân khiến thị trường quay lại đà giảm?

Ông Thái Hữu Công: Thị trường chứng khoán trong nước hiện đang có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành. Trong khi những nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán vẫn đang dò đáy do nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, thì những nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh tốt và không chịu nhiều ảnh hưởng của lạm phát như dầu khí, điện năng, bán lẻ… vẫn giữ giá khá tốt.

Những yếu tố dẫn đến việc thị trường quay lại đà giảm trong thời gian vừa qua có thể kể đến như áp lực chốt lời sau một nhịp hồi khá tích cực từ vùng đáy VN-Index 1.160 điểm, với nhiều cổ phiếu ghi nhận mức hồi phục 40 - 50% từ vùng đáy, thậm chí tăng vượt đỉnh.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng mạnh và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh tại Mỹ và nhiều nước châu Âu đã buộc các ngân hàng trung ương phải mạnh tay tăng lãi suất. Rủi ro suy thoái kinh tế, thậm chí là lạm phát gia tăng đã tác động mạnh lên thị trường chứng khoán toàn cầu và gián tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam.

Khi các rủi ro ngoại biên tạm lắng, quỹ đạo tăng của chứng khoán sẽ quay lại
Ông Thái Hữu Công – Chuyên gia phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).

PV: Theo ông thì thị trường trong nước đang “test” lại đáy tháng 5, hay đi tìm một mức đáy mới?

Ông Thái Hữu Công: Quan sát diễn biến giá của các cổ phiếu, chúng ta có thể thấy sự phân hóa rõ nét với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã về vùng hỗ trợ mạnh, trong khi những cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua mới dần hạ nhiệt.

Sự thiếu đồng thuận này khiến cho cơ hội tạo đáy trong trung hạn của VN-Index chưa được chúng tôi đánh giá cao.

PV: Ngoại trừ một số thông tin trong nước như áp lực lạm phát, giá xăng lập đỉnh, cổ phần hóa hay giải ngân vốn đầu tư công còn chậm... thì các thông tin tiêu cực về ngoại biên, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay tình hình Nga - Ukraine vẫn là thông tin chi phối. Ông đánh giá thế nào về sự tác động của thông tin kinh tế vĩ mô trong nước và ngoài nước tới thị trường Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Thái Hữu Công: Thị trường chứng khoán hiện đang ở vùng trũng thông tin sau khi mùa đại hội đồng cổ đông qua đi và kết quả kinh doanh quý I cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu.

Việc thiếu đi thông tin hỗ trợ từ các doanh nghiệp niêm yết khiến cho các thông tin kinh tế vĩ mô trong giai đoạn này sẽ có tác động mạnh đến thị trường. Đặc biệt là thông tin về sức khoẻ nền kinh tế Mỹ cũng như những động thái của FED trong bối cảnh lạm phát tăng cao hiện đang thu hút được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư.

Việt Nam là một nước có độ mở nền kinh tế cao với kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP ở mức 185% trong năm 2021. Trong đó, Mỹ là đối tác xuất khẩu hàng đầu với kim ngạch xuất khẩu đạt 96,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Do đó, việc nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, hoặc rơi vào suy thoái sẽ tác động tiêu cực lên kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Khi các rủi ro ngoại biên tạm lắng, quỹ đạo tăng của chứng khoán sẽ quay lại
Tâm lý thị trường hiện tại đang khá yếu do nhịp sụt giảm mạnh trước đó và có sự nhạy cảm với các thông tin tiêu cực hơn là thông tin tích cực.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đã về vùng hấp dẫn. Vậy theo ông, giá đã rẻ thật sự hay chưa, bởi trên thực tế, nhiều cổ phiếu, kể cả các cổ phiếu bluechips vẫn chưa thấy đáy?

Ông Thái Hữu Công: Nhịp điều chỉnh mạnh trong quý II vừa qua đã đưa P/E trượt 12 tháng của VN-Index về mức 13,2 lần. Trong lịch sử 10 năm trở lại đây, chỉ có duy nhất 3 giai đoạn VN-Index giao dịch ở dưới mức này là: giai đoạn 2012 do các bất ổn vĩ mô sau khủng hoảng 2009; giai đoạn cuối 2015 đầu 2016 trước lo ngại Trung Quốc “hạ cánh cứng” và FED nâng lãi suất lần đầu sau khủng hoảng tài chính; giai đoạn đầu 2020 do khủng hoảng Covid-19.

So sánh tương quan với các nước trong khu vực và trong quá khứ, tôi cũng có chung quan điểm về việc thị trường hiện tại đã ở vùng giá rất hấp dẫn.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vốn là thị trường kỳ vọng của tương lai. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn hiện đang chịu nhiều tác động tiêu cực của các yếu tố ngoại biên, chứ không đến từ tiềm lực nội tại của nền kinh tế. Khi các yếu tố tiêu cực này qua đi, thị trường chứng khoán sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có.

PV: Quả thực, đây là giai đoạn rất khó để chọn được danh mục có thể sinh lời. Ông có khuyến nghị gì đối với nhà đầu tư? Liệu đã nên chọn danh mục để bắt đáy chưa?

Ông Thái Hữu Công: Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm hiện vẫn đóng vai trò chủ đạo trên thị trường. Tâm lý thị trường hiện tại đang khá yếu do nhịp sụt giảm mạnh trước đó và có sự nhạy cảm với các thông tin tiêu cực hơn là thông tin tích cực.

Do đó, nhà đầu tư khi thực hiện mua, bán cần hạn chế sử dụng margin nhằm tránh việc bị giải chấp nếu xuất hiện các nhịp sụt giảm mạnh. Đối với các vị thế ngắn hạn mà nhà đầu tư nắm giữ, cần tuân thủ kỷ luật chốt lời tại các vùng kháng cự và cắt lỗ khi cổ phiếu sụt giảm 5 - 10%, tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro.

Nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn những cổ phiếu mà doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn khả quan và không chịu nhiều ảnh hưởng của lạm phát như nhóm ngành điện, dầu khí và bán lẻ.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam