Bài 2: Chạy đua ứng dụng công nghệ thông tin để chống thất thu thuế

09:12 | 26/06/2022 Print
(TBTCO) - Thương mại điện tử xuyên biên giới đang đặt ra những thách thức mới với công tác quản lý thuế. Ngoài việc tăng cường phối hợp với các ngành chức năng liên quan để chống thất thu thuế, cơ quan thuế các cấp đã và đang rốt ráo chạy đua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, chống thất thu thuế.

Tìm lời giải cho bài toán chống thất thu thuế thương mại điện tử

Đại diện Tổng cục Thuế cho hay, hiện nay, cơ quan thuế đang quản lý hai nhóm đối tượng chính có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đó là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử mua bán hàng hóa, dịch vụ trong nước và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đối với hoạt động thương mại điện tử mua bán hàng hoá, dịch vụ trong nước, thực tế cho thấy hiện nay phát sinh quá nhiều đối tượng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Các giao dịch diễn ra quá nhiều và mang tính nhỏ lẻ. Thực tế cũng phát sinh trường hợp người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế. Cơ quan thuế không xác định được địa điểm kinh doanh, thời gian kinh doanh do hoạt động mua, bán diễn ra liên tục 24/24 giờ và tất cả các ngày trong tuần.

Đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới cũng rất khó để xác định nguồn thu, đối tượng khi người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định. Doanh nghiệp nước ngoài thường viện dẫn theo hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bài 2: Chạy đua ứng dụng công nghệ thông tin để chống thất thu thuế
Ngành Thuế đang chạy đua ứng dụng công nghệ thông tin để chống thất thu thuế hoạt động thương mại điện tử. Ảnh: TL

Trước thực trạng trên, ngày 12/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Quyết định số 2146/QĐ-BTC, nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, chú trọng hoạt động cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Thực hiện quyết định của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế thực hiện rà soát, phân loại, theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin các công ty đang tổ chức hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ các hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại điện tử trong phạm vi địa bàn quản lý.

Theo đó, các nhóm đối tượng cụ thể được theo dõi thường xuyên bao gồm: doanh nghiệp có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook, Apple, Amazone…; doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng trực tuyến; doanh nghiệp kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến thông qua ứng dụng như Booking, Agoda…; doanh nghiệp chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài; doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử như: Sendo, Lazada, Shopee…, điều hành các ứng dụng (app) trung gian thanh toán như: Vnpay, Airpay…, app trung gian vận chuyển như: Grab, Now, Baemin….

Ghi nhận sự vào cuộc của các địa phương cho thấy, Cục Thuế TP. Hà Nội đã thực hiện giải pháp kiên trì tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn để người nộp thuế tự giác thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế. Theo số liệu của Cục Thuế TP. Hà Nội, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số đã đóng góp vào số thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 khoảng 14.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng thu và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ra đời cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài

Theo thống kê của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 20.480 website thương mại điện tử bán hàng, 572 website cung cấp trang thương mại điện tử. Thành phố cũng có 35,7% số doanh nghiệp đã xây dựng website độc lập với các tính năng đa dạng, cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng 25% trong GRDP, đến năm 2030 là 40%.

Tuy nhiên, trong khi thương mại điện tử được đánh giá là ăn nên, làm ra thì việc thu thuế từ hoạt động này vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Số tiền thu thuế được khá khiêm tốn, còn thất thu thuế. Nguyên nhân thất thu thuế được xác định là do hành lang pháp lý về quản lý hoạt động thương mại điện tử chưa hoàn thiện. Việc quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế, quản lý các nguồn thu, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế hay việc kiểm soát dòng tiền thanh toán…, đang là bài toán khó cơ quan thuế đang tìm lời giải.

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính riêng năm 2021, tiền thuế thu được từ các dịch vụ xuyên biên giới là 1.317 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020. Tuy nhiên, khoản tiền thuế thu được kể trên chủ yếu đến từ các đại lý quảng cáo của những nền tảng xuyên biên giới này tại Việt Nam đóng thay khoản thuế nhà thầu 10%. Trong khi khoản doanh thu chủ yếu mà Facebook, Google ghi nhận từ khách hàng sử dụng dịch vụ ở Việt Nam lại chưa được quản lý và nộp thuế. Ước tính, khoản thu này chiếm tới 70% doanh thu của Facebook và 50% doanh thu của Google phát sinh tại thị trường Việt Nam mỗi năm.

Ngoài việc tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với các ngành chức năng liên quan, cơ quan thuế các cấp đang chạy đua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để chống thất thu thuế. Điển hình, tháng 3/2022 vừa qua, Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile).

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, sau khi cơ quan thuế xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài, cơ bản các doanh nghiệp này đã tiến hành kê khai và nộp thuế đầy đủ. Đây là bước đột phá của Tổng cục Thuế trên bình diện quốc tế và khu vực. Sau khi đã làm rõ và tuyên truyền với các nhà cung cấp lớn như: Microsoft, Netflix, TikTok…, các doanh nghiệp này đã tuân thủ các quy định về thuế của Việt Nam.

Đáng chú ý, Tổng cục Thuế đã tiến hành thu thuế trực tiếp với nhiều nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài khác không đặt trụ sở tại Việt Nam như: Facebook, YouTube, Google… Mới đây, Meta - công ty mẹ của Facebook, đã phát đi thông báo yêu cầu khách hàng từ Việt Nam đăng quảng cáo trên mạng xã hội này phải nộp thêm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) để doanh nghiệp tiến hành nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam. Theo Facebook, việc tính thêm thuế VAT là bắt buộc với người dùng thực hiện quảng cáo dù cho mục đích kinh doanh hay cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp nhỏ và cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết không chỉ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã nộp thuế trực tiếp tại Việt Nam, hiện nay, các cá nhân có doanh thu từ các nhà cung cấp nước ngoài đều đã được Tổng cục Thuế xác định, quản lý và tiến hành kê khai nộp thuế./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam